- Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích Canada về việc miễn trừng phạt và trả tua-bin nén khí trong đường ống khí đốt từ Nga tới Đức, miêu tả đó là “sự yếu đuối” trước Moscow.
![]() |
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky |
Tổng thống Zelensky cho biết Bộ Ngoại giao Ukraine đã triệu tập một đại diện của Canada đến để phản đối quyết định “hoàn toàn không thể chấp nhận được” của Canada trong việc cho phép trả lại một tua-bin nén khí đã được sửa chữa cho Đức. Thiết bị này là cần thiết cho Dòng chảy Phương Bắc - một đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Đức.
“Quyết định miễn trừng phạt sẽ chỉ được Moscow xem là một dấu hiệu của sự yếu đuối”, Tổng thống Zelensky tức giận chỉ trích trong bài phát biểu qua video ngày hôm qua (12/7).
Tua-bin nói trên đã bị Canada giữ lại do các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow để đáp trả chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine. Tập đoàn khí đốt quốc gia Nga Gazprom tháng trước cho biết họ buộc phải giảm nguồn cung cấp khí đốt qua Dòng chảy Phương Bắc do tua-bin không được trả đúng thời hạn. Công ty Gazprom sau đó cũng tạm dừng cung cấp khí đốt hoàn toàn trong vòng 10 ngày, bắt đầu từ hôm 11/7 với lý do bảo trì.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck vào thời điểm đó đã chỉ trích quyết định của Gazprom trong việc giảm nguồn cung cấp qua Dòng chảy phương Bắc là một hành động mang động cơ chính trị. Cùng thời điểm đó, ông Habeck cũng kêu gọi Canada cho phép trả tua-bin về Đức.
“Những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ có nghĩa là nó phải làm tổn thương và gây hại cho Nga và Tổng thống Putin nhiều hơn cho nền kinh tế của chúng ta. Vì thế, tôi mong mọi người hiểu cho việc chúng ta phải miễn trừ vụ tua-bin này”.
Diễn biến trên đã phơi bày ra mâu thuẫn giữa Ukraine và các đồng minh. Trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra, Kiev luôn tìm mọi cách thúc ép các đồng minh phương Tây phải trừng phạt mạnh tay Nga. Các nước phương Tây cũng đã tung ra hàng loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Tuy nhiên, dù thế nào, các nước phương Tây vẫn phải bảo vệ lợi ích của nước họ. Vấn đề năng lượng là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ giữa Nga và nhiều nước Châu Âu. Nhiều nước Châu Âu đang phụ thuộc nặng nề vào nguồn năng lượng từ Nga. Việc Ukraine đòi hỏi Châu Âu ra đòn nhằm vào lĩnh vực nhạy cảm này là điều rất khó khả thi bởi nếu Châu Âu mạnh tay với Nga trong vấn đề năng lượng thì rất có thể họ đang tự “gậy ông đập lưng ông”.
Kiev lâu nay vẫn thể hiện sự bất mãn với việc các đồng minh phương Tây ra đòn trừng phạt chưa đủ mạnh với Nga. Tuy nhiên, sự lên tiếng của Tổng thống Ukraine trong bối cảnh này cũng không thể khiến phương Tây làm khác được, họ vẫn phải đảm bảo lợi ích cho đất nước họ. Một quan chức phương Tây từng thẳng thắn tuyên bố, việc cấm vận năng lượng với Nga chẳng khác nào "quả bom nguyên tử" nhằm vào nền kinh tế của nước ông.