- Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, kết quả thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt hơn 80% dự toán, là cơ sở để Phú Thọ có thể gia nhập “câu lạc bộ 10.000 tỷ đồng”…
6 tháng đạt hơn 80% dự toán cả năm, dẫn đầu cả nước về giải ngân đầu tư công
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác của Trung ương ngày 12/7, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang cho biết: Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của Phú Thọ đạt 6,28%, 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 7,8%, thu hút đầu tư FDI đạt 226 triệu USD.
Trong khi đó, lĩnh vực Công nghiệp đà phục hồi và phát triển nhanh, Nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 3,14% trong 6 tháng đầu năm 2022. Chương trình xây dựng nông thôn mới được chú trọng, bình quân toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã.
Thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hội và phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh Phú Thọ đã tập trung giải ngân hỗ trợ chính sách 983 tỷ đồng; quyết định chủ trương hỗ trợ xây dựng các trung tâm y tế huyện 282 tỷ đồng.
Tỉnh cũng lựa chọn, hoàn thiện các thủ tục đầu tư của 17 dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025, số vốn đề nghị bố trí bổ sung kế hoạch năm 2022 là 1.690 tỷ đồng. Trong quá quá trình tổ chức triển khai thực hiện, tỉnh Phú Thọ đề nghị Quốc hội, Chính phủ phân cấp, giao HĐND tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng.
Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đề nghị được tạo điều kiện cho tỉnh triển khai dự án trung tâm Logistics tại thị xã Phú Thọ; sớm xem xét danh mục hỗ trợ để tỉnh Phú Thọ triển khai theo Nghị quyết 43 của Quốc hội.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Tỉnh ủy đã rất chủ động xây dựng chương trình hành động triển khai các Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Phú Thọ là một trong số ít các địa phương có Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, thể hiện quyết tâm đổi mới, khát vọng phát triển rất mạnh mẽ của địa phương.
Điểm lại các kết quả nổi bật của Phú Thọ trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh Covid - 19, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 cao hơn bình quân của cả nước.
Đặc biệt, theo Chủ tịch Quốc hội, kết quả thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm nay đã đạt hơn 80% dự toán, là cơ sở để năm nay Phú Thọ có thể gia nhập “câu lạc bộ 10.000 tỷ đồng”. Giải ngân đầu tư công đạt kết quả nổi bật, là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với tỉnh Phú Thọ |
Phú Thọ có nhiều tiến bộ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (Chỉ số PCI xếp thứ 20 cả nước và đứng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc, trong đó có 3 tiêu chí xếp top đầu cả nước là môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng và tính tiên phong của Chính quyền; chỉ số hài lòng của người dân xếp thứ 13/63, tăng 8 bậc so với năm trước.
Đây là nhân tố thu hút mạnh mẽ đầu tư vào Phú Thọ, kể cả đầu tư FDI và phát triển nhanh số lượng doanh nghiệp tại địa phương. Trong đó, kết quả thu hút vốn đầu tư, xuất khẩu đạt mức cao (đạt 95.933 tỷ đồng, trong đó có 18 dự án FDI, vốn đăng ký gần 1 tỷ USD; đáng chú ý đã thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các ngành công nghiệp chế tạo, điện tử); kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, đóng góp cho xuất khẩu cả nước (năm 2021 đạt 16,2 tỷ USD, đứng thứ 12/63 tỉnh; 6 tháng đầu năm 2022 đạt 11,7 tỷ USD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ).
Địa bàn trọng điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá
Ghi nhận, biểu dương những kết quả đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý một số hạn chế cần tập trung khắc phục như: Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện song còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; Phó Thọ vẫn là tỉnh chưa tự cân đối được chi thường xuyên, cơ cấu nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; phát triển đô thị còn chậm, tỷ lệ đô thị hóa đạt 20,4%, thấp hơn so bình quân chung cả nước; sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều vướng mắc…
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Phú Thọ tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng tiềm năng, thế mạnh phát triển của địa phương, trong đó, đặc biệt lưu ý vị trí nằm trong quy hoạch Vùng Thủ đô, là cửa ngõ trung tâm kinh tế liên tỉnh phía Bắc, nằm trong hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng, có nhiều tiềm năng và lợi thế, cách Thủ đô Hà Nội chỉ 100km, chỉ cách sân bay Nội Bài 50 km...
“Phú Thọ đóng vai trò kết nối trong Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, do đó, càng cố gắng thể hiện được vị thế này trong quy hoạch phát triển của tỉnh. Các bộ, ngành cũng cần quan tâm đến vị thế của Phú Thọ trong vùng để hiện thực hoá trong các quy hoạch”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ủng hộ việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, cho rằng, Phú Thọ sẽ là một trong những địa bàn trọng điểm để thực hiện Chương trình này. Cùng với đó, cần tập trung triển khai thực hiện Đề án phát triển Thành phố Việt Trì thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc, cần thể hiện ngay trong Quy hoạch phát triển của tỉnh.