- Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị tung ra gói biện pháp trừng phạt thứ 7 nhằm vào Moscow nhưng có một điều rõ ràng là liên minh này sẽ không hạn chế nhập khẩu khí đốt từ Nga bởi có quá nhiều thành viên không thể kịp thích ứng với một đòn trừng phạt như thế, Thủ tướng Czech Petr Fiala mới đây đã tiết lộ như vậy.
![]() |
Theo Thủ tướng Fiala, các biện pháp trừng phạt mới hiện đang được hoàn tất để tăng cường gây áp lực lên Nga vì cuộc chiến ở Ukraine. Cụ thể, EU có kế hoạch cấm nhập khẩu vàng, mở rộng danh sách các hàng hóa bị cấm xuất khẩu sang Nga và trừng phạt thêm nhiều cá nhân của Nga.
Ủy ban Châu Âu sẽ sẵn sàng trình gói biện pháp trừng phạt mới trong những ngày sắp tới và các nước thành viên có thể sẽ thông qua gói biện pháp này ngay lập tức sau đó, ông Fiala cho biết.
"Chắc chắn, vấn đề khó khăn là đưa năng lượng vào gói biện pháp trừng phạt bởi có một quy tắc cần phải tuân thủ là các biện pháp trừng phạt phải có ảnh hưởng lên Nga lớn hơn gây ảnh hưởng đến các nước áp dụng”, Thủ tướng Séc nhấn mạnh. Vì thế, theo ông Fiala, không có khả năng khí đốt được đưa vào các biện pháp trừng phạt mới. "Tôi cho rằng khí đốt không nên được đưa vào bởi nhiều nước phụ thuộc vào khí đốt của Nga”.
Cộng hòa Séc vừa tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên của EU từ hôm 1/7 và sẽ kéo dài 6 tháng. Séc là một trong số các nước phụ thuộc gần như toàn bộ nhu cầu khí đốt vào Nga. Tính tổng lại, EU phụ thuộc 40% nhu cầu khí đốt từ Nga.
Ông Fiala cho hay Séc đang làm mọi điều có thể để cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga “nhưng điều này sẽ không xảy ra trong mùa đông này”.
Những phát biểu được đưa ra ở trên của ông Fiala chắc chắn sẽ khiến Kiev thêm một lần nữa thất vọng. Trong suốt thời gian qua, giới chức Ukraine liên tục kêu gọi các đồng minh phương Tây gây sức ép mạnh mẽ với Nga bằng những đòn trừng phạt có hiệu quả, đặc biệt liên quan đến những đòn trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng của Nga.
Tuy nhiên, Kiev đã phải nhiều lần thất vọng bởi EU không thể nhằm vào ngành năng lượng của Nga, đặc biệt là lĩnh vực khí đốt bởi hơn ai hết liên minh này hiểu rằng nếu họ trừng phạt ngành khí đốt của Nga thì người phải gánh chịu hậu quả đầu tiên chính là họ.
Thông tin trên được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa tức giận lên tiếng chỉ trích Canada về việc miễn trừng phạt và trả tua-bin nén khí trong đường ống khí đốt từ Nga tới Đức, miêu tả đó là “sự yếu đuối” trước Moscow.
Tổng thống Zelensky cho biết Bộ Ngoại giao Ukraine đã triệu tập một đại diện của Canada đến để phản đối quyết định “hoàn toàn không thể chấp nhận được” của Canada trong việc cho phép trả lại một tua-bin nén khí đã được sửa chữa cho Đức. Thiết bị này là cần thiết cho Dòng chảy Phương Bắc - một đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Đức.
Những diễn biến trên đã phơi bày ra mâu thuẫn giữa Ukraine và các đồng minh. Trong khi Ukraine muốn các đồng minh phương Tây dồn ép Nga đến mức cao nhất thì các nước phương Tây dù thế nào vẫn phải bảo vệ lợi ích của nước họ. Vấn đề năng lượng là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ giữa Nga và nhiều nước Châu Âu. Nhiều nước Châu Âu đang phụ thuộc nặng nề vào nguồn năng lượng từ Nga. Việc Ukraine đòi hỏi Châu Âu ra đòn nhằm vào lĩnh vực nhạy cảm này là điều rất khó khả thi bởi nếu Châu Âu mạnh tay với Nga trong vấn đề năng lượng thì họ đang tự “gậy ông đập lưng ông”.