- Cùng với việc đất nước chuyển sang thích ứng an toàn với dịch bệnh, mở cửa trở lại các hoạt động giao thương quốc tế, Bộ Ngoại giao đã chuyển mạnh công tác ngoại giao kinh tế sang phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Bộ Ngoại giao mới đây đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác ngoại giao kinh tế 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ, Trưởng Ban Chỉ đạo Ngoại giao kinh tế, các đồng chí Trợ lý Bộ trưởng, hơn 90 Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và lãnh đạo các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá bối cảnh tình hình thế giới, trong nước kể từ đầu năm 2022 có nhiều biến chuyển phức tạp, khó lường, đặt ra nhiều vấn đề và yêu cầu mới đối với công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng. Bộ trưởng đề nghị Hội nghị tập trung đánh giá những kết quả nổi bật, rút ra các bài học kinh nghiệm, đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cụ thể cho công tác ngoại giao kinh tế 6 tháng cuối năm, với phương châm bám sát tình hình thế giới, địa bàn, yêu cầu và thực tiễn phát triển đất nước, triển khai các hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, có kết quả cụ thể.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ đã thông tin cho các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong nước 6 tháng đầu năm; nhấn mạnh những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong 6 tháng cuối năm, từ đó đề nghị các Cơ quan đại diện xây dựng kế hoạch và triển khai công tác ngoại giao kinh tế trên cơ sở bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu nhất trí đánh giá công tác ngoại giao kinh tế từ đầu năm 2022 đến nay được triển khai chủ động, tích cực, bài bản, toàn diện, đóng góp tích cực vào các thành tựu nổi bật và các điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cùng với việc đất nước chuyển sang thích ứng an toàn với dịch bệnh, mở cửa trở lại các hoạt động giao thương quốc tế, Bộ Ngoại giao đã chuyển mạnh công tác ngoại giao kinh tế sang phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã đẩy mạnh công tác tham mưu, nghiên cứu; triển khai mạnh mẽ các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, trong đó ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác về khoa học công nghệ, năng lượng, nông nghiệp, chuyển đổi số…, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quan hệ kinh tế với các nước; triển khai phù hợp, linh hoạt hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế, nhất là đối với các sáng kiến liên kết kinh tế mới. Ngoại giao kinh tế cũng đẩy mạnh cụ thể hóa nhiệm vụ lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; phát huy vai trò tiên phong trong tận dụng các động lực phát triển mới; tích cực vận động nguồn lực của kiều bào đóng góp phục vụ phát triển đất nước. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao đã hoàn thành tổng kết kết quả thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 15/4/2010 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế và kiến nghị những định hướng triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển trong giai đoạn mới. Các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện đánh giá kinh tế thế giới 6 tháng cuối năm tiếp tục hết sức khó khăn và nhiều rủi ro. Bối cảnh đó đặt ra nhiều thách thức song cũng có những cơ hội có thể tận dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước; đồng thời đề xuất nhiều biện pháp, hoạt động cụ thể để đẩy mạnh hơn nữa công tác ngoại giao kinh tế của ngành Ngoại giao trong 6 tháng cuối năm.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn biểu dương nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao của các đơn vị trong và ngoài nước, nhất là vai trò của các đồng chí Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện, bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo Ngoại giao kinh tế của Bộ và Thủ trưởng các đơn vị trong nước. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị cần chủ động hơn nữa trong triển khai toàn diện, đồng bộ công tác ngoại giao kinh tế, phối hợp chặt chẽ trong và ngoài nước, kết hợp nhuần nhuyễn và tạo sức mạnh tổng hợp giữa tất cả các trụ cột ngoại giao để triển khai nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển; đề nghị các đơn vị quan tâm đầu tư nguồn lực, nâng cao hơn nữa tính kịp thời trong nghiên cứu, tham mưu kinh tế, nhất là về các xu hướng, xu thế vận động, dự báo các khả năng, đánh giá tác động đến Việt Nam để kiến nghị các giải pháp phù hợp, khả thi. Các hoạt động ngoại giao kinh tế cần được nhanh nhạy triển khai, bám sát các chủ trương, định hướng và nhu cầu của đất nước, phù hợp với thế mạnh của các đối tác, địa bàn; các Cơ quan đại diện cần phối hợp chuẩn bị sớm các kế hoạch, nội dung hợp tác cụ thể để phục vụ hoạt động đối ngoại cấp cao, tổ chức các hoạt động ngoại giao kinh tế có trọng tâm, trọng điểm, đạt kết quả cụ thể, thiết thực; nghiên cứu, đề xuất các hướng hợp tác mới khả thi với các đối tác; triển khai đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa ngoại giao kinh tế với ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa và các lĩnh vực đối ngoại khác. Công tác ngoại giao kinh tế đặc biệt cần tập trung đẩy mạnh nhiệm vụ lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ trên cơ sở lấy hiệu quả, thực chất là tiêu chí hàng đầu, vừa làm, vừa tổng kết, rút kinh nghiệm và xây dựng các quy trình, quy chế để thống nhất thực hiện.