- Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập có kế hoạch gia nhập BRICS. Việc kết nạp các thành viên mới này có thể được thảo luận và sẽ có câu trả lời tại hội nghị thượng đỉnh của BRICS vào năm tới ở Nam Phi, bà Purnima Anand - Chủ tịch Diễn đàn Quốc tế BRICS, hôm qua (14/7) vừa cho biết.
![]() |
“Tất cả những nước nói trên đều thể hiện sự quan tâm đến việc gia nhập vào BRICS và đang chuẩn bị nộp đơn xin trở thành thành viên của khối. Tôi tin rằng, đây là một bước đi tốt đẹp bởi việc mở rộng khối luôn được ưu tiên và điều đó chắc chắn sẽ giúp tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của khối BRICS”, bà Purnima Anand đã nói như vậy với tờ Izvestia của Nga.
"BRICS" là tên gọi của một khối bao gồm các nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Khối này chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và gần 1/4 GDP của thế giới. Mục tiêu được tuyên bố của BRICS là củng cố hòa bình, an ninh, tăng cường sự phát triển và hợp tác toàn cầu đồng thời đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.
Theo bà Anand, vấn đề mở rộng khối BRICS đã được đưa ra trong cuộc họp thượng đỉnh năm nay của BRICS vừa diễn ra ở Bắc Kinh hồi cuối tháng 6.
Chủ tịch Diễn đàn BRICS bày tỏ hy vọng quá trình gia nhập khối của Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập sẽ không mất nhiều thời gian trong bối cảnh những nước này “đã tham gia vào tiến trình”.
“Tôi hy vọng những nước này sẽ gia nhập BRICS sớm bởi tất cả đại diện của các thành viên cốt lõi trong khối đều quan tâm đến việc mở rộng. Vì thế, mọi việc sẽ sớm diễn ra”, bà Anand nói thêm.
Thông tin về kế hoạch gia nhập BRICS của ba nước nói trên được đưa ra sau khi Iran và Argentina chính thức nộp đơn xin gia nhập khối hồi cuối tháng 6 vừa rồi.
Việc Ả-rập Xê-út có mong muốn gia nhập vào BRICS có thể là một đòn giáng mạnh đối với Mỹ. Lâu nay, Ả-rập Xê-út vẫn được coi là một đồng minh lớn của Mỹ ở Trung Đông. Tuy nhiên, nếu gia nhập vào BRICS, Ả-rập Xê-út rõ ràng đang ngả dần về phía Nga. Mỹ có thể sẽ mất đi đồng minh quan trọng này.
Hiện tại, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến công du đến Trung Đông và một trong những điểm dừng chân của ông chính là Ả-rập Xê-út. Không rõ, ông Biden có đề cập đến thông tin Ả-rập Xê-út muốn gia nhập khối BRICS – nơi có hai đối thủ hàng đầu của Mỹ là Nga và Trung Quốc, hay không. Tuy nhiên, ông Biden sẽ phải xử lý mối quan hệ nhạy cảm với Ả-rập Xê-út để không đẩy xa nước đồng minh này ra khỏi Mỹ.
Tổng thống Biden từng miêu tả chính phủ Ả-rập Xê-út là “một quốc gia bị bài xích” vì vai trò của nước này trong vụ giết hại phóng viên của tờ Washington Post cũng là một nhà chính trị đối lập - Jamal Khashoggi năm 2018. Mỹ tin rằng Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman đứng đằng sau trong vụ giết hại phóng viên Khashoggi.