- “Chúng tôi đã làm việc rất nhiều với các tổ chức quốc tế và việc này duy nhất ở Việt Nam. Ở các nước thì công là công, tư là tư, khi anh đã liên doanh, liên kết với tư nhân nghĩa là anh hạch toán theo tư nhân” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Nêu ý kiến trước Quốc hội sáng 13/6, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu rõ, bên cạnh những kết quả tích cực nêu thì quá trình triển khai chủ trương xã hội hóa, liên danh, liên kết cũng nảy sinh nhiều vấn đề.
“Vấn đề được nhiều cử tri phản ánh đó là tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm và lạm dụng chỉ định dịch vụ kỹ thuật cao quá mức cần thiết đối với những máy móc xã hội hóa, gây tốn kém cho túi tiền của người dân và bảo hiểm y tế” - Đại biểu Thủy nói.
“Theo dõi các vụ án vừa qua trong lĩnh vực y tế, thấy rằng việc thổi giá không chỉ được phát hiện trong các dự án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế mà còn được phát hiện cả trong việc triển khai các đề án xã hội hóa, liên doanh, liên kết hợp tác đặt máy móc, thiết bị khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện công lập” - Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói và lấy ví dụ về vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai đã ký hợp đồng cho phép đối tác đặt robot hỗ trợ phẫu thuật với giá máy trong hợp đồng liên kết gấp hơn 5 lần giá trị thực, từ 7,4 tỷ lên 39 tỷ và đã làm lợi cho một nhóm người nhưng gây thiệt hại cho hơn 600 bệnh nhân đã sử dụng máy này.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho hay, theo ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý thì một trong những nguyên nhân quan trọng là do lĩnh vực này hành lang pháp lý còn chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ, có nhiều lỗ hổng dẫn đến vừa khó khăn cho các bệnh viện trong triển khai, vừa dễ rủi ro cho cả bệnh viện lẫn đơn vị tư nhân tham gia và nhất là dễ bị lợi dụng để cấu kết nhóm lợi ích gây thiệt hại cho bệnh nhân và gây thiệt hại cho nhà nước.
![]() |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình trước Quốc hội về những vấn đề đại biểu quan tâm |
Tại phần giải trình trước Quốc hội về vấn đề liên doanh, liên kết trong bệnh viện công lập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đây là “đặc thù” của Việt Nam và “thực sự rất khó có thể nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để áp dụng vào Việt Nam”
“Chúng tôi đã làm việc rất nhiều với các tổ chức quốc tế và việc này duy nhất ở Việt Nam. Ở các nước thì công là công, tư là tư, khi anh đã liên doanh, liên kết với tư nhân nghĩa là anh hạch toán theo tư nhân” - Phó Thủ tướng nói. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định “Ở Việt Nam chúng ta phải có đặc thù này.”
“Mô hình liên doanh, liên kết này và khám, chữa bệnh theo yêu cầu của các bệnh viện công thực sự giải quyết bài toán thực tế của Việt Nam trong thời gian vừa qua, nhưng tới đây luật pháp cũng cần quy định rõ hơn và chìa khóa mà các tổ chức quốc tế khuyến nghị là chỉ có một cách là bắt tất cả công khai, minh bạch tất cả các khoản thu từ các khám, chữa bệnh theo yêu cầu, thu bao nhiêu và chi bao nhiêu từ đó” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.