- Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất Quốc hội cho phép Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự đường Vành đai 3 TP.HCM và đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô.
Cùng quy mô, vì sao có nhiều sự khác nhau giữa 2 dự án đường vành đai?
Sáng 10/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.
Là người phát biểu đầu tiên, Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề nghị cần có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các địa phương của dự án đi qua trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án để địa phương chủ động trong việc bố trí vốn, bố trí địa điểm tái định cư ngay từ ban đầu khi dự án được phê duyệt.
Ngoài ra, Đại biểu tỉnh Hưng Yên đề nghị nghiên cứu làm rõ phương án giải phóng mặt bằng, làm rõ lộ trình đầu tư, rà soát để thiết kế và bố trí hệ thống thu phí trạm dừng nghỉ, cầu vượt, hầm chui, đặc biệt là các nút giao trên toàn tuyến, bảo đảm phù hợp, có tính kết nối với hệ thống giao thông trong vùng, từ đó phát huy hiệu quả theo đúng mục tiêu của dự án.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) thì đề nghị làm rõ tại sao cùng là quy mô 4 làn xe cao tốc, nhưng mặt cắt ngang giữa hai tuyến đường (Vành đai 4 Vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh) lại rất khác nhau. Đại biểu cũng đề nghị cần cân nhắc thêm, đối với những đoạn tuyến cao tốc đi qua khu vực có lưu lượng giao thông lớn nên đầu tư giai đoạn một với quy mô 4 làn xe có B=24,75m nhằm hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông.
Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc |
Về phân chia dự án thành phần và hình thức đầu tư, đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, đại biểu đồng tình với việc đầu tư đường Vành đai 4 dự án thành phần cao tốc được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và dự án thành phần dọc 2 bên tiểu dự án giải phóng mặt bằng và tái định cư được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.
Tuy nhiên, Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị làm rõ tại sao đối với đường Vành đai 3 lại đầu tư theo hình thức đầu tư công, đồng thời, cần đánh giá lại hiệu quả đầu tư giữa đầu tư công và đầu tư theo đối tác công - tư đối với đường Vành đai 3 trước khi quyết định chủ trương đầu tư.
Đại biểu Trần Văn Tiến cũng đề nghị làm rõ việc giải phóng mặt bằng một lần đã bao gồm cả phần đường song hành 2 bên hay chưa, đồng thời cần nghiên cứu cơ chế phối hợp trong quá trình xây lắp, nghiệm thu, bàn giao để tránh những ý kiến, kiến nghị phát sinh sau này.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa |
Cơ chế chỉ định thầu
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, Điều 3, khoảng 2 c của dự thảo Nghị quyết đề cập về cơ chế chỉ định thầu. Với nội dung này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất Quốc hội cho phép Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án này.
“Đối với các gói thầu liên quan, có nhiều địa phương thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, việc Thủ tướng ủy quyền có nghĩa là quyền vẫn là do Thủ tướng quyết định giao cho nơi nào thực hiện.” – ông Trương Trọng Nghĩa giải thích.
Mặt khác, theo Đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh, cần quy định trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong thời gian thực hiện dự án, nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu hay những vấn đề liên quan cần xin ý kiến thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng.
Ngoài ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề xuất sửa lại trong dự thảo Nghị quyết là Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế (3 năm) kể từ ngày ban hành Nghị quyết.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Long An) đề nghị quan tâm bố trí đủ nguồn vốn triển khai thực hiện cho các địa phương không phát hành trái phiếu để đảm bảo được bố trí đủ vốn và kịp thời. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo đúng theo tiến độ xác định.
Đồng thời, đại biểu tỉnh Long An cũng đề nghị có cơ chế chỉ định thầu đối với một số gói thầu như tư vấn di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư. Tất nhiên, việc chỉ định thầu phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất dọc theo tuyến đường đi qua cho việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và cho thẩm quyền để chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp nhằm giúp cho các địa phương chủ động trong việc triển khai dự án và thu hút đầu tư.