- Đại biểu tỉnh Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề nghị trong quá trình triển khai 3 dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) phải thực hiện thật kỹ, thật tốt để tránh làm mất đội ngũ cán bộ do cơ chế.
Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) thống nhất với sự cần thiết đầu tư 3 Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua. Đồng thời, việc đầu tư các tuyến cao tốc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng trong triển khai dự án cần có trình tự ưu tiên rõ ràng, cần ưu tiên cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi còn quá ít đường cao tốc, đồng thời cũng cần ưu tiên hoàn thành những dự án còn đang dang dở nhiều năm.
Về nguồn vốn địa phương đầu tư cho dự án, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, có những địa phương điều kiện còn khó khăn, không đảm bảo được nguồn kinh phí, nên cần có tính toán, phân tích kỹ để chia sẻ những khó khăn với các địa phương, cần có sẵn phương án ứng phó khi địa phương không thể đối ứng được nguồn vốn để thực hiện dự án.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần chú trọng đấu nối giữa các con đường này với những đường cao tốc đã mở để phát huy hiệu quả của các dự án quan trọng này, tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ những địa phương có các tuyến cao tốc đi qua.
![]() |
ĐBQH Tạ Văn Hạ |
Về cơ chế đầu tư, Đại biểu Tạ Văn Hạ đặt vấn đề: Tại sao Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo đối tác công tư, Luật Đấu thầu… đã có nhưng vào các dự án giao thông này lại phải xin cơ chế.
Về chỉ định thầu, Đại biểu Tại Văn Hạ băn khoăn vấn đề này cũng đã tạo ra những kẽ hở, tạo cơ chế xin - cho, thiếu tính minh bạch, công khai.
Đại biểu đoàn Quảng Nam đặt vấn đề, hành lang pháp lý đầy đủ, tại sao phải xin cơ chế? “Nếu chúng ta làm không cẩn thận thì sẽ có hệ lụy mất cán bộ sau này, đơn vị được, đơn vị không được, người được quyết, người không được quyết, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng công trình sau này”, đại biểu Tạ Văn Hạ lưu ý.
Lấy ví dụ về hậu quả của cơ chế chỉ định thầu vừa qua trong lĩnh vực y tế do dịch bệnh mà cho cơ chế chỉ định thầu, đã để lại một hệ lụy rất lớn, Đại biểu tỉnh Quảng Nam đề nghị trong quá trình triển khai các dự án này phải thực hiện thật kỹ, thật tốt để tránh phải xử lý hậu quả, đặc biệt đau đớn nhất là làm mất đội ngũ cán bộ do cơ chế.
Phương thức đối tác công tư sẽ hiệu quả hơn?
Phát biểu ý kiến, Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) đồng ý về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
![]() |
ĐBQH Vũ Tiến Lộc |
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, hình thức để thực hiện các dự án giao thông lần này có những điểm đột phá theo công thức cơ quan Trung ương và địa phương cùng làm, các địa phương trong khu vực chung tay, Nhà nước và tư nhân cùng sát cánh thực hiện. Ông đánh giá, đây là công thức tuyệt vời để thực hiện mọi dự án phát triển kinh tế xã hội vì: Thứ nhất, việc giao quyền cho các địa phương là chủ đầu tư các tuyến đường này là bước đột phá. Thứ hai có chúng ta có cơ chế đặc thù. Thứ ba là dùng cơ chế đối tác công tư là phương thức để huy động nguồn lực.
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Tiến Lộc vẫn có băn khoăn về tuyến đường. Ở trong các dự án đưa ra Quốc hội tuần này chỉ có đường Vành đai 4 Tp.Hà Nội là có đối tác công tư, còn những tuyến đường tiềm năng như Biên Hòa- Vũng Tàu hoàn toàn có thể đầu tư được bằng phương thức đối tác công tư.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, thực hiện các dự án giao thông theo phương thức đối tác công tư sẽ là một cách làm hiệu quả hơn là đầu tư chỉ bằng đầu tư công. Ngoài ra, công tác quản trị, bảo trì, vận hành các tuyến đường cũng nên giao cho tư nhân thực hiện theo phương thức: xây dựng - chuyển giao - cho thuê dịch vụ.