- Doanh nhân Nguyễn Thị Thúy Hường, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Trường học Quang Minh (QMS) cho rằng, người viết báo “phải biết lắng lòng lại và buồn khi viết về một cái sai chứ không phải tâm trạng hồ hởi, hân hoan khi mình vạch ra được cái sai này..”
Doanh nghiệp cần minh bạch thông tin
Phát biểu tại Diễn đàn “Báo chí - doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng”, tổ chức sáng ngày 29/6, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, ông Lê Quốc Minh đặt vấn đề: thời gian qua, bên cạnh dòng thông tin chủ lưu, tích cực, đâu đó vẫn còn một số những thông tin gây bất lợi, thậm chí làm tổn hại tới uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp.
Nguyên nhân căn bản là do nhiều doanh nghiệp chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, trong khi một vài nhà báo lợi dụng vai trò giám sát, phản biện xã hội để đưa tin chưa chính xác, hoặc lợi dụng sai phạm của doanh nghiệp để phục vụ lợi ích riêng.
“Vậy giải pháp nào để doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin với các cơ quan báo chí và báo chí cần làm gì để minh bạch hơn trong việc xử lý thông tin? - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đặt vấn đề và nhấn mạnh: Sự minh bạch được hiểu là thái độ hợp tác tích cực, cởi mở về thông tin giữa doanh nghiệp và báo chí, ngay cả trong trường hợp thông tin bất lợi đối với doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, khả năng tạo ra kênh đối thoại thẳng thắn, trực diện sẽ giúp cho doanh nghiệp tránh khỏi các thông tin đồn đại, thiếu chính xác, hoặc ít nhất có thể tạo ra các cơ hội giải quyết khủng hoảng truyền thông một cách tích cực.
Ông Lê Quốc Minh cũng nhấn mạnh, tinh thần thiện chí, khách quan của báo chí trước các vấn đề của doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với tính nghiêm túc, độ tin cậy của cơ quan báo chí. Sự minh bạch chính là mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa báo chí và doanh nghiệp.
“Báo chí cần doanh nghiệp, không phải với tư cách các nhà quảng cáo có thể mở hầu bao nuôi sống báo chí, mà như những nguồn thông tin minh bạch, chính xác, tạo ra giá trị tin cậy cao đối với bạn đọc. Ngược lại, doanh nghiệp cần báo chí với tư cách các kênh truyền thông trung lập, mạnh mẽ, hiệu quả, để thông điệp truyền thông của doanh nghiệp được lan toả tới công chúng.” Chủ tịch Hội Nhà báo Lê Quốc Minh.
Toàn cảnh Diễn đàn Báo chí - doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ |
Nhà báo không nên viết về cái sai với “tâm trạng hân hoan”
Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thúy Hường, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Trường học Quang Minh (QMS) cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0, sự phát triển với tốc độ vũ bão về số lượng, đa dạng hóa các hình thức truyền thông và báo chí. Báo chí đã đổi mới nhanh, nhạy bén với công nghệ 4.0 để người đọc dễ dàng tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi.
“Chính vì số lượng phát triển ồ ạt nên đâu đó vẫn còn hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” và “Đâu đó còn một vài nhà báo chưa muốn đồng hành cùng doanh nghiệp, đồng hành cùng địa phương để cung cấp những thông tin thiết thực góp phần cùng địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, chủ trương của Đảng và nhà nước.”
Theo doanh nhân Nguyễn Thị Thúy Hường thì Báo chí và doanh nghiệp cần thấu hiểu nhau.
"Người viết báo “phải biết lắng lòng lại và buồn khi viết về một cái sai của người nào đó, của doanh nghiệp nào đó mà không thể “chữa” được, buộc nghề nghiệp mình phải viết lên để làm bài học cảnh tỉnh cho xã hội tránh, chứ không phải tâm trạng hồ hởi, hân hoan khi mình vạch ra được cái sai này với một động cơ khác.”
Bà Nguyễn Thị Thúy Hường cho rằng, người định hướng dư luận xã hội rất quan trọng và phải là người có được chữ “Tâm” và chữ “Tầm” (2T).
"Ở đây tôi không nhắc tới chữ “Trí” vì có Trí với có Tầm. Doanh nghiệp chúng tôi cũng vậy: có Tâm, có Tầm, chữ thứ 3 là chữ Tiền tự nhiên sẽ tới” - bà Nguyễn Thị Thúy Hường chia sẻ suy nghĩ.