- Đại biểu Quốc hội của tỉnh Lào Cai cho rằng, nhiều nơi vẫn còn xảy ra tình trạng công khai mang tính chất hình thức, chiếu lệ với những nội dung nhạy cảm, nhất là về lĩnh vực quy hoạch đất đai, vụ việc tiêu cực, tham nhũng…
Phát biểu ý kiến xây dựng Luật Dân chủ ở cơ sở, đại biểu Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) cho biết, tại Điều 10, Điều 23 về các hình thức, thời điểm công khai thông tin để nhân dân biết, các hình thức nhân dân tham gia ý kiến quy định tại điểm g khoản 1 Điều 10, khoản 5 Điều 23.
Theo Đại biểu, Điều 38 quy định hình thức xin ý kiến tại cơ quan, đơn vị thông qua mạng xã hội như Zalo, Viber, Facebook vừa chưa đầy đủ, vừa chưa có tính bao quát mà nên quy định chung là thông qua các mạng xã hội, thư điện tử, các phần mềm ứng dụng khác theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) nhận xét, việc đa dạng hóa các hình thức công khai thông tin của chính quyền địa phương cấp xã được quy định tại Điều 10 đến Điều 12 của dự thảo luật chưa thực hiện đổi mới, chưa đầy đủ, chưa chủ động tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các hình thức công khai thông tin để vừa đảm bảo đa dạng, đổi mới, tiệm cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, vừa đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn áp dụng, tránh lãng phí nguồn lực, nghiên cứu bổ sung công khai trên các mạng xã hội chính thống được pháp luật cho phép.
Đặc biệt, đại biểu tỉnh Lào Cai cho rằng, nhiều nơi vẫn còn xảy ra tình trạng thông báo mang tính chất hình thức, vắn tắt những nội dung nhạy cảm, nhất là về lĩnh vực quy hoạch đất đai, việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án hoặc kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, đảng viên, công chức cấp xã và cán bộ thôn, công tác thi đua, khen thưởng, v.v..
![]() |
ĐBQH Sùng A Lềnh |
“Hiện nay pháp luật chỉ quy định về nội dung, hình thức công khai mà thiếu quy định về tính minh bạch trong công khai của chính quyền cấp xã. Vì vậy, nhiều địa phương thực hiện công khai một cách chiếu lệ, nếu công khai không kèm theo sự minh bạch thì sẽ không đảm bảo được quyền lợi của người dân" - đại biểu Sùng A Lềnh nêu ý kiến và đề nghị nghiên cứu quy định một số hình thức công khai bắt buộc đang thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn để có cơ sở tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát đối với trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin của cơ quan, đơn vị.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) đề nghị, ngoài hình thức công khai qua mạng xã hội thì cần chọn hình thức công khai bắt buộc như niêm yết công khai thông tin tại trụ sở HĐND, UBND, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố và điểm sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, tùy theo điều kiện ở địa phương có thể lựa chọn hình thức để tuyên truyền công khai đến người dân cho phù hợp, có thể thông qua loa truyền thanh, thông qua các cuộc họp làm sao để cho thông tin đến người dân hiệu quả.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, việc thực hiện việc thông tin qua các trang mạng xã hội, qua mạng xã hội là vấn đề người dân hết sức quan tâm.
“Chúng ta đang xác định chuyển đổi số, xác định trong thời đại khoa học công nghệ, mặc dù phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội nhưng tôi đề nghị cần có một chương riêng và một mục riêng quy định về việc thực hiện dân chủ cơ sở thông qua việc áp dụng CNTT, áp dụng trang mạng xã hội. Bởi vì chỉ cần một nhóm thông tin thôi thì đồng chí trưởng thôn có thể thông báo ngay trong vòng một tích tắc đến tất cả người dân của thôn mình. Tôi nghĩ mặc dù khó nhưng chúng ta nên có hướng để áp dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện dân chủ cơ sở" - Đại biểu tỉnh Đồng Nai nói.