- Cử tri vẫn băn khoăn đặt vấn đề, có sự bắt tay câu kết những hành vi trục lợi này không? nếu có thì vì sao lại có những cái bắt tay câu kết trên đau khổ của người dân trong đại dịch Covid-19?, Đại biểu Tô Văn Tám nói về việc lợi trục lợi chính sách trong phòng chống dịch.
![]() |
ĐBQH Tô Văn Tám |
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) khi phát biểu tại Hội trường ngày 1/6 đặt vấn đề, ngay khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã chủ trương nghiên cứu sản xuất vắc-xin Covid-19 trong nước để chủ động nguồn cung cấp phòng, chống dịch.
“Chủ trương đó là đúng và cần thiết và từ tháng 5/2020, Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu phát triển thử nghiệm vắc-xin của Việt Nam và kỳ vọng đến cuối năm, cuối quý III năm 2021 sẽ có vắc-xin của Việt Nam để sử dụng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy có vắc-xin thương hiệu của Việt Nam”, Đại biểu Tô Văn Tám nhắc lại.
Chính vì vậy, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần đánh giá rõ thêm quá trình nghiên cứu sản xuất vắc-xin ra sao, có tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục nghiên cứu sản xuất như thế nào, triển vọng vắc-xin của Việt Nam ra sao vì trong quá trình tiếp xúc cử tri cho thấy cử tri quan tâm đến vấn đề này.
Phân tích về vấn đề này, Đại biểu Tô Văn Tám nêu, bất cứ một chính sách nào ban hành cũng có nguy cơ bị lợi dụng, trục lợi, bởi vậy, khi ban hành các chính sách, nhất là các chính sách cấp bách, phòng, chống Covid-19, Quốc hội và Chính phủ cầ hết sức quan tâm để phòng, chống nguy cơ này.
"Rất tiếc, hành vi lợi dụng, trục lợi ở chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 đã xảy ra. Nó xảy ra dưới nhiều dạng khác nhau, từ hoạt động phân phối các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước đến các đối tượng bị tác động nặng của đại dịch Covid-19, các hoạt động nhân đạo, giải cứu lao động về nước mà báo cáo tổng hợp, kiến nghị của cử tri tới UB MTTQ Việt Nam đã phản ánh, đến các hoạt động mua bán, sản xuất các thiết bị phòng, chống dịch... khiến cử tri và dư luận hết sức bất bình", Đại biểu Tô Văn Tám nêu.
Theo Đại biểu, những hành vi đó đã, đang và sẽ bị xử lý nghiêm minh và họ đang phải đứng trước pháp luật để chịu sự phán xử nghiêm khắc, trong đó có cả cán bộ, lãnh đạo quản lý. Điều đó không chỉ thể hiện thái độ không khoan nhượng của Đảng và Nhà nước, mà còn chứng minh rằng không có "vùng cấm" trong quá trình xử lý các sai phạm.
"Tuy nhiên, cử tri vẫn băn khoăn đặt vấn đề đằng sau những hành vi đó là gì, có sự bắt tay câu kết những hành vi trục lợi này không, nếu có thì vì sao lại có những cái bắt tay câu kết trên đau khổ của người dân trong đại dịch Covid-19. Những vấn đề đó cần tiếp tục làm rõ trong quá trình xử lý các sai phạm trên", Đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh.