Sau cuộc điện đàm với các lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Italy, Tổng thống Mỹ Biden phát biểu với báo giới rằng các bên đồng thuận "sẽ chờ xem" các động thái tiếp theo của Nga và Ukraine.
Các nhà đàm phán Ukraine phát biểu với báo giới sau cuộc đàm phán với phái đoàn Nga tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 29/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngày 29/3, các lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy đã có cuộc điện đàm về kết quả vòng đàm phán mới nhất giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu với báo giới tại Washington sau cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết các bên đồng thuận "sẽ chờ xem" các động thái tiếp theo của Nga và Ukraine.
Cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Istanbul được cho là đạt tiến triển tích cực. Sau cuộc đàm phán, Nga thông báo sẽ "giảm đáng kể các hoạt động" gần Kiev và Chernihiv.
Trong khi đó, nhà đàm phán Ukraine David Arakhamia cho rằng những tiến bộ đạt được trong đàm phán có thể dẫn tới một cuộc gặp giữa lãnh đạo Nga và Ukraine.
Tuy nhiên, theo tuyên bố của Nhà Trắng, các lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy trong cuộc điện đàm nói trên đã nhất trí chưa dỡ bỏ các trừng phạt kinh tế đối với Nga và sẽ tiếp tục hỗ trợ an ninh cho Ukraine.
Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Ba Lan ngày 29/3 công bố một dự luật cấm nhập khẩu than từ Nga. Đây là lệnh trừng phạt đầu tiên của châu Âu liên quan đến nguồn năng lượng từ Nga.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu với báo giới, người phát ngôn chính phủ Ba Lan Piotr Muller cho biết Ba Lan đã đưa các điều khoản vào dự luật ngăn chặn nhập khẩu than từ Nga ở cấp quốc gia.
Đầu tháng Ba này, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố Ba Lan sẵn sàng cấm nhập khẩu than từ Nga nhưng đang chờ Brussels bật đèn xanh. Người phát ngôn Muller cho biết dự luật sẽ được gửi tới Quốc hội liên quan đến việc đóng băng tài sản của các công ty và cá nhân ủng hộ Nga.
Ước tính Ba Lan hiện nhập khẩu từ 9-10 triệu tấn than của Nga mỗi năm, tức 1/5 tổng lượng nhập khẩu của châu Âu. Theo người phát ngôn Müller, hiện chỉ có các công ty tư nhân của Ba Lan nhập khẩu than của Nga.
Ba Lan dự định từ năm 2023 thoát khỏi phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga và cuối cùng thoát khỏi phụ thuộc về dầu mỏ.
(theo TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/lanh-dao-my-va-eu-thao-luan-ve-ket-qua-dam-phan-ngaukraine/780952.vnp