- Cho ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhiều ĐBQH đặc biệt quan tâm đến vấn đề phục hồi dịch vụ du lịch sau đại dịch COVID-19 và đề xuất các chính sách cụ thể cho ngành du lịch.
ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nhấn mạnh, trong đại dịch COVID-19, du lịch là một trong những ngành bị tổn thương nặng nề nhất, phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có như số lượng du khách, doanh thu du lịch giảm sút mạnh, đặc biệt là khách quốc tế. Nhiều doanh nghiệp du lịch phải tạm dừng hoạt động hoặc chấm dứt hoạt động hoặc buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh hay cắt giảm nhân sự.
Phần lớn doanh nghiệp du lịch nợ ngân hàng, không doanh thu, gần như mất khả năng trả nợ các khoản vay, khoản thuế, phí, lao động du lịch hầu hết bị mất việc, không có thu nhập, buộc phải chuyển nghề khác để kiếm sống, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi du lịch khôi phục lại và một số khó khăn khác.
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông - Bình Thuận |
Chính vì vậy, ĐB tỉnh Bình Thuận đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm có những quyết sách nhằm hỗ trợ nhiều hơn nữa cho ngành du lịch, trong đó quan tâm một số chính sách.
Một là, tiếp tục dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách Nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các địa phương trọng điểm về du lịch, trong đó có tỉnh Bình Thuận, có khu du lịch quốc gia Mũi Né, nhằm nâng cao hơn khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch quốc gia. Cụ thể là khẩn trương sửa chữa, nâng cấp tuyến đường quốc lộ 55 qua địa bàn tỉnh Bình Thuận, vì hiện nay tại một số đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng và mất an toàn giao thông. Đồng thời, đây cũng là tuyến kết nối du lịch giữa tỉnh Bình Thuận, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Lâm Đồng.
Hai là, có chính sách tái cơ cấu lại thị trường du lịch, thúc đẩy thị trường du lịch nội địa, có lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn, cho phép các địa phương, trong đó có Bình Thuận thí điểm triển khai đón khách du lịch quốc tế theo mô hình du lịch an toàn.
Thứ ba là, giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư cơ sở lưu trú, khu du lịch sử dụng nhiều diện tích đất, không gian cảnh quan để thúc đẩy phát triển du lịch. Cần phân biệt đơn giá thuê đất giữa đất thực tế có cơ sở hạ tầng với đất lưu không, cây xanh, mặt nước, cảnh quan, theo tôi, giá thuê đất đối với diện tích đất này chỉ nên bằng 30% hoặc 40% đất thực tế hoạt động kinh doanh thương mại, du lịch.
Thứ tư là giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh sang mức bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất.
Thứ năm là có chính sách miễn, giảm phí giao thông đường bộ cho các doanh nghiệp lữ hành du lịch trong năm 2022. Vì trong thực tế, trong năm 2021 các hoạt động vận tải du lịch rất ít hoặc là không hoạt động nhưng phí giao thông các doanh nghiệp vẫn phải đóng theo quy định.
Thứ sáu là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thông qua chính sách tiền tệ, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.
Thứ bảy là hỗ trợ nguồn lực cho địa phương, trong đó có tỉnh Bình Thuận trong việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ quan tâm cần có những đánh giá tác động đối với ngành du lịch để có sự lựa chọn ưu tiên phát triển dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
Bên cạnh huy động và phân bổ nguồn lực thỏa đáng để phát triển du lịch như tăng tỷ lệ chi ngân sách cho du lịch từ 1,4% lên khoảng 3% tổng chi ngân sách như các nước trong khu vực, ĐB Thanh đề nghị cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, có giải pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm du lịch để đảm bảo quyền lợi của du khách và tạo hình ảnh điểm đến chất lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu điểm đến an toàn cho du khách và tuyên truyền về đảm bảo y tế, tạo tâm lý an toàn để du khách an tâm khi tham quan du lịch nội địa.
Song song đó, ĐB tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh, cần quan tâm các yếu tố về an sinh xã hội để nhân dân được thụ hưởng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần từ lợi ích mà ngành du lịch mang lại.
Các ĐB Trần Chí Cường (TP Đà Nẵng), ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình), Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang), ĐB Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cũng tham gia các ý kiến đề xuất hỗ trợ ngành du lịch để ngành này nhanh chóng hồi phục và phát triển sau đại dịch COVID-19.