- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, hiện dư luận rất quan tâm đến chất lượng kit test COVID-19 của Việt Á, trong đó đáng chú ý nơi sản xuất 30.000 bộ kit xét nghiệm/ngày lại trông như "nhà kho" của hợp tác xã.
Sáng 21/12, trong chương trình Phiên họp thứ 6 (đợt 2) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo Công tác dân nguyện tháng 11 của Quốc hội.
Sáng 21/12, trình bày Báo cáo Công tác dân nguyện tháng 11 của Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, tình hình dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài, ảnh hưởng trên tất cả các mặt đời sống xã hội; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là người lao động có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo.
Cử tri kiến nghị Chính phủ sớm triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19.
Cử tri kiến nghị Chính phủ có giải pháp về tăng cường nhân lực, vật tư và trang thiết bị y tế cho các địa phương, quan tâm đến hệ thống y tế cơ sở; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước; tăng mức độ bao phủ tiêm chủng cho toàn dân để người dân được an tâm đi làm việc trở lại, các cháu học sinh được đi học đến trường.
![]() |
Trưởng ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo Công tác dân nguyện tháng 11 |
Cử tri cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp các Bộ, ngành chức năng liên quan cần ban hành quy định và hướng dẫn cụ thể hơn về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 khi học sinh trở lại trường; có kế hoạch dạy bù, bổ sung kiến thức cho học sinh, để đảm bảo chất lượng dạy và học. Cùng với đó, đánh giá kết quả việc dạy và học trực tuyến để có kế hoạch, chương trình giảng dạy thích ứng, phù hợp và đạt kết quả cao trong thời gian tới.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đề nghị Báo cáo tổng hợp thêm những kiến nghị của cử tri như tháo gỡ khó khăn về thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm cho người F0 điều trị tại nhà; quy định người dân phải thanh toán chi phí xét nghiệm ở các tỉnh phía Nam chưa hợp lý.
Liên quan đến vụ thổi giá kit xét nghiệm tại Công ty Việt Á, các đại biểu đặt vấn đề: Chất lượng bộ kit xét nghiệm này có đảm bảo hay không, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan như thế nào trong vụ việc này?...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, hiện dư luận rất quan tâm đến chất lượng kit test COVID-19, trong đó đáng chú ý là truyền hình đưa tin về việc đưa nơi sản xuất 30.000 bộ kit xét nghiệm/ngày của công ty này giống "nhà kho" của hợp tác xã.
Trong khi đó, Tổ chức y tế thế giới (WHO) cũng không công nhận chất lượng để có thể áp dụng chung, nhưng theo chuẩn Việt Nam vẫn phù hợp.
"Cử tri rất quan tâm đến chất lượng thực tế của kit này như thế nào? Thực sự có đáp ứng yêu cầu về mặt chuyên môn hay không? Vì hiện nay cả nước ta sử dụng đại trà kit xét nghiệm do công ty này sản xuất. Đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, xử lý nghiêm minh, công khai kết quả, kể cả một số bộ cũng là vấn đề", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.
Ông Tùng cũng dẫn chứng thông tin từ báo chí cho biết, ở rất nhiều địa phương, kết quả đấu thầu giá cũng rất cao, trên dưới 500.000/kit xét nghiệm.
Về vấn đề này, phát biểu tại phiên họp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đây là những vấn đề được người dân quan tâm. “Nên chăng trong kỳ họp này cũng có báo cáo bằng văn bản trình bày trước Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến.