- Được thực hiện theo phương thức trực tuyến nhưng ở một số khâu, người dân vẫn phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước để hoàn tất dịch vụ. Nguyên nhân bởi giải pháp định danh xác thực vẫn ở mức độ thấp, thiếu an toàn, số lượng người dân được cấp danh tính số còn hạn chế.
Những hiệu quả nhất định
Ngày 23/1/2019, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp.
Theo đó, việc triển khai, sử dụng chữ ký số chuyên gùng Chính phủ đã góp phần quan trọng đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí; nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành, góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử.
Ngay sau khi Chỉ thị này được ban hành, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành và các địa phương đã cùng đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong cơ quan Nhà nước. Riêng trong lĩnh vực hành chính công, thời gian qua, chữ ký số đã mang lại những hiệu quả nhất định.
Tại các cơ quan nhà nước, chữ ký số giảm chi phí giấy, mực hoặc gửi văn bản qua đường bưu điện, đồng thời giảm công sức lao động, bảo mật dữ liệu cá nhân, các dữ liệu chuyên môn.
Việc đẩy mạnh ứng dụng chứng thực điện tử và chữ ký số chuyên dùng trong các giao dịch điện tử đã từng bước thay thế cho các giao dịch truyền thống giữa các cơ quan nhà nước với người dân và các đơn vị.
Không những thế, chứng thực điện tử và chữ ký số được ứng dụng hiệu quả vào các hoạt động tác nghiệp hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao mức độ an toàn và bảo mật cho các giao dịch điện tử giữa các cơ quan quản lý hành chính nhà nước trên môi trường mạng.
Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước; tăng cường trao đổi văn bản điện tử, giảm bớt việc trao đổi văn bản giấy giữa các cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính ở địa phương.
Đơn cử như, Cổng Dịch vụ công Quốc gia tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn/ kết nối, cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc. Cá nhân, tổ chức dễ dàng truy cập và đăng ký tài khoản từ máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại di động có kết nối internet để thực hiện các giao dịch trực tuyến.
Và, trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, người dân có thể sử dụng chữ ký số đăng nhập để thực hiện các giao dịch trực tuyến.
Dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. (Ảnh chụp màn hình) |
Tại các địa phương, chữ ký số đang được sử dụng như một biện pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính.
Ví dụ như ở Lâm Đồng, từ khi có quyết định ban hành quy chế quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng trong các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã được cấp hơn 2.000 chứng thư số: trong đó có hơn 900 chứng thư số tổ chức, hơn 1.000 chứng thư số cá nhân cho các cơ quan nhà nước thuộc cả hai khối Đảng và khối chính quyền từ cấp tỉnh tới cấp xã.
Tại Kiên Giang, toàn tỉnh có 100% sở, ban, ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố thực hiện ký số tổ chức của cơ quan. Tỷ lệ cơ quan, đơn vị áp dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử đạt 100%, trừ văn bản mật.
Kiên Giang là một trong những địa phương được đánh giá là có thế mạnh trong triển khai chữ ký số, hệ thống văn bản quản lý, điều hành triển khai đến 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị trực thuộc của cơ quan, đơn vị, kết nối liên thông với trục văn bản quốc gia.
Tại Quảng Ninh - địa phương đi đầu cả nước về việc gửi, nhận văn bản điện tử kèm chữ ký số - việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua môi trường mạng có sử dụng chữ kỹ số trong các cơ quan đoàn thể, đơn vị quản lý Nhà nước đã được triển khai thực hiện hiệu quả đạt được là rất thiết thực, đóng góp tích cực vào công cuộc cải cách thủ tục hành chính của tỉnh.
Điều này được thể hiện rõ: 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã tham gia vào hệ thống CQĐT của tỉnh; 100% CB,CC,VC trong các cơ quan hành chính nhà nước được trang bị máy tính kết nối internet để thực hiện công việc, được cấp tài khoản công chức điện tử và cơ bản sử dụng thành thạo các tiện ích do hệ thống CQĐT cung cấp; trên 98% văn bản hành chính được trao gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh dưới dạng văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số...
Tại Bắc Kạn, Kiểm toán Nhà nước đã đưa vào sử dụng chữ ký số trên phần mềm Quản lý văn bản điều hành và thiết bị di động; đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng chữ ký số trên Phần mềm Quản lý văn bản điều hành…
Ảnh minh họa |
Cần một giải pháp phù hợp hơn
Theo tổng kết, tính đến đầu năm 2021, Ban Cơ yếu Chính phủ đã triển khai khoảng 10.000 thiết bị SIM ký số trên thiết bị di động cho hầu hết các bộ, ngành, địa phương, có khoảng 400.000 chữ ký số đã được các cơ quan bộ, ngành, địa phương thực hiện trên thiết bị di động.
Đây quả thực là một con số khá ấn tượng. Tuy có những thành quả nhất định và dù dịch vụ công trực tuyến đều đã được cung cấp với hầu khắp các tỉnh thành, các bộ ngành, nhưng số lượng người dân truy cập và yêu cầu cung cấp dịch vụ còn chưa cao. Được thực hiện theo phương thức trực tuyến nhưng ở một số khâu, người dân vẫn phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước để hoàn tất dịch vụ.
Nguyên nhân bởi các bộ, ngành, địa phương đang sử dụng những giải pháp định danh xác thực ở mức độ thấp, thiếu an toàn, số lượng người dân được cấp danh tính số còn hạn chế.
Theo ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục kiểm soát Thủ tục Hành chính - Văn phòng Chính phủ, hiện nay việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của người dân vẫn chiếm số lượng ít so với hồ sơ của doanh nghiệp.
“Dù điện tử hóa nhưng nhiều nơi vẫn yêu cầu người dân nộp bản sao công chứng, điều này khó đáp ứng được trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua. Không những vậy, việc triển khai cung cấp dịch vụ công ở một số cơ quan hành chính vẫn mang tính hình thức, phong trào, thủ tục chưa thuận lợi” - Cục trưởng Cục kiểm soát Thủ tục Hành chính - Văn phòng Chính phủ nêu rõ.
Theo mục tiêu tầm nhìn được đặt ra trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đến năm 2030, 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật.
Sự phát triển của mô hình ký số từ xa - Remote Signing, ký số HSM thay thế dần phương thức ký số sử dụng USB token truyền thống được kỳ vọng sẽ là một giải pháp phù hợp giúp sớm đạt được mục tiêu mà Chiến lược Quốc gia đề ra.
Sự phát triển của mô hình ký số từ xa - Remote Signing, ký số HSM thay thế dần phương thức ký số sử dụng USB token truyền thống được kỳ vọng sẽ là một giải pháp phù hợp giúp sớm đạt được mục tiêu mà Chiến lược Quốc gia đề ra. Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử với việc sử dụng công nghệ mã hóa công khai, được dùng như một chữ ký cá nhân hoặc thay cho con dấu của tổ chức, công ty. Chính vì điều này chữ ký số được công nhận về mặt pháp lý. Chữ ký số có hai dạng, thứ nhất là chữ ký số công cộng (ứng dụng cho các doanh nghiệp và xã hội); thứ hai là chữ ký số hành chính (ứng dụng cho các cơ quan nhà nước). Chữ ký số hành chính do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp và xác thực, còn chữ ký số công cộng dùng trong doanh nghiệp, người dân do các đơn vị như VNPT hoặc các công ty công nghệ dịch vụ khác cung cấp. Trong giai đoạn hiện nay, với tốc độ phát triển như vũ bão của thời đại công nghệ, việc ứng dụng chữ ký số là một xu thế và là nhu cầu tất yếu bởi tính ưu việt của nó. Tại Việt Nam, chữ ký số đang được đánh giá là điều kiện tiên quyết để số hóa thành công tại Việt Nam. |