- Cho rằng nợ công đang ở mức thấp, còn dư địa để tăng nguồn lực đầu tư, ĐBQH Hoàng Văn Cường đề xuất có chính sách cấp bù lãi suất để các doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát để phục hồi…
Phát biểu thảo luận trước Quốc hội, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, qua 4 tháng cách ly nghiêm ngặt phòng, chống dịch thì kinh tế Việt Nam đã rơi thẳng đứng từ mức tăng trưởng dương 6,61% ở quý II xuống âm 6,17% ở quý III, hàng chục ngàn doanh nghiệp đã phải đóng cửa sau mỗi một tháng và hàng ngàn doanh nghiệp mất việc làm phải rời bỏ về quê hương.
“Điều đó cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế rất yếu, tiềm lực của các doanh nghiệp đang bị suy kiệt” - ĐB Hoàng Văn Cường nói.
Theo ĐB Cường, để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp đà phục hồi kinh tế thế giới, các doanh nghiệp không chỉ cần thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn phải vượt lên, đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân bố lại chuỗi cung ứng. Muốn vậy, các doanh nghiệp và nền kinh tế phải được tăng cường thêm các nguồn lực đầu tư.
Đề xuất về giải pháp, ông Cường cho rằng, cần có chính sách cấp bù lãi suất để các doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát, vì hoạt động kinh doanh sau đại dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mức lợi nhuận khó để bù đắp được các chi phí lãi suất vay cao như thị trường, trong khi các tổ chức tín dụng đang phải duy trì mức lãi suất để đảm bảo kinh doanh, đồng thời phải tăng cường trích lập các quỹ dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu đang tiềm ẩn gia tăng.
“Nếu ngân sách chúng ta dành ra khoảng 30.000-40.000 tỷ để cấp bù thì chúng ta sẽ có được khoảng 1 triệu tỷ tiền vốn lãi suất thấp để giúp cho các doanh nghiệp phục hồi" - ĐB Cường phân tích.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) |
Kèm theo đó, theo vị đại biểu đoàn Hà Nội, phải có cơ chế kiểm soát để tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh đều phải được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ, không để tiền vay ngân hàng chạy vòng quanh trở thành tiền gửi để kiếm lợi từ chênh lệch lãi suất hoặc không để tiền vốn giá rẻ sẽ đổ vào các lĩnh vực đầu cơ, tài sản như bất động sản hoặc chứng khoán.
Bên cạnh giải pháp kích cầu truyền thống là đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công, ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng cần phải có giải pháp mới mang tính khác biệt là đặt hàng để các doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển các sản phẩm ưu tiên tạo nên những đột phá trong phát triển.
Có ba lĩnh vực được ông Cường đề xuất ưu tiên đặt hàng là Đường sắt và kinh tế biển, là lĩnh vực còn đầy tiềm năng chưa được khai thác.
Đặc biệt, ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng, để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia và bứt phá vươn lên trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam cần có hạ tầng công nghệ số của riêng mình để đi trước trong chuyển đổi số và chủ động kiểm soát đảm bảo an toàn cho tài sản số quốc gia.
“Nếu được Chính phủ đặt hàng, tôi tin rằng đội ngũ kỹ sư tin học và công nghệ của Việt Nam thừa sức phát triển được các sản phẩm để khẳng định được vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ số. Vấn đề đặt ra là nguồn lực từ đâu để hỗ trợ lãi suất và đặt hàng cho các dự án đầu tư mang tính đột phá” - ĐB Cường nhấn mạnh.
ĐB đoàn Hà Nội phân tích rằng, hiện còn dư địa rất lớn để tăng nguồn lực đầu tư bởi những năm qua tỷ lệ nợ công đang ở mức thấp (43,7%) so với mức trần là 60%.
“Do vậy, nên điều chỉnh tăng mức bội chi ngân sách tăng thêm từ 2 đến 3% so với kế hoạch đặt ra trong vòng 2 đến 3 năm, chúng ta sẽ có nguồn lực để thực hiện các kế hoạch phục hồi và đầu tư bứt phá" - ĐB Cường khẳng định.