- "Đối với các dự án cấp bách, nhất thiết phải kết thúc trong năm nay. Những dự án trong điểm quốc gia dứt khoát không được để chậm” là chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại Hội nghị trực tuyến giao ban tháng 10 năm 2021 vào sáng 28/10.
Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Trí Đức cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ GTVT được Lãnh đạo Chính phủ giao 140 nhiệm vụ. Bộ đã hoàn thành 103 nhiệm vụ, chiếm 74%; chưa hoàn thành 37 nhiệm vụ, chiếm 26%, không có nhiệm vụ nào quá hạn.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vận tải hành khách lũy kế tháng 10 ước đạt 120,6 triệu lượt khách, giảm 58,1% so với cùng kỳ, lũy kế 10 tháng ước đạt 2.141 triệu lượt khách, giảm 27,1% so với cùng kỳ. Trong đó, vận chuyển hàng không (-48,2%), đường bộ (-27,1%), đường biển (- 31.1%), đường sắt (-59,9%), đường thủy (-23,7%).
Về tình hình tai nạn giao thông, trong tháng 10 toàn quốc xảy ra 798 vụ, làm chết 377 người, bị thương 573 người. So với cùng kỳ năm 2020, giảm 542 vụ (- 40,45%), giảm 216 người chết (-36,42%), giảm 482 người bị thương (-45,69%).
Về công tác chuẩn bị đầu tư các dự án giai đoạn 2021-2025, Bộ cũng đang nghiên cứu và trình các cơ quan có thẩm quyền các báo cáo tiền khả thi 06 dự án quan trọng quốc gia;phê duyệt chủ trương đầu tư 3/10 dự án, trình Thủ tướng Chính phủ 3/10 dự án nhóm A; phê duyệt chủ trương đầu tư 34/51 dự án, hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư 12/51 dự án nhóm B, nhóm C.
Cũng theo Chánh Văn phòng Nguyễn Trí Đức, dự kiến tháng 10/2021, Bộ giải ngân được 2.204 tỷ đồng; lũy kế 10 tháng giải ngân được 29.114 tỷ đồng, đạt 67,1% kế hoạch. Từ đầu năm đến nay, Bộ đã phê duyệt, quyết toán 43 dự án, hạng mục công trình, giá trị 14.987 tỷ đồng. Riêng trong tháng 10, Bộ đã phê duyệt 07 dự án, hạng mục công trình với giá trị là 1.683 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Trí Đức, từ nay đến cuối năm, ngành GTVT sẽ tập trung đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, nhất là các dự án ODA; Khắc phục khó khăn, vướng mắc đế đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2021.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì Hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Nguyễn văn Thể nhấn mạnh, bên cạnh những nhiệm vụ hoàn thành, vẫn còn một số hạn chế như công tác giải ngân vốn đầu tư công còn yếu, công tác mở lại các hoạt động vận tải hành khách còn lúng túng, công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án, công tác xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm.
Do vậy, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các đơn vị nhìn thẳng vào những hạn chế để khắc phục làm sao cho công tác năm 2022 được hoàn chỉnh hơn.
Cục Y tế cần tiếp tục tham mưu sâu cho lãnh đạo Bộ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực GTVT.
Vụ Vận tải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị từng bước mở lại vận tải khách đảm bảo nhu cầu vận tải khách cũng như công tác phòng chống dịch, đặc biệt là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022.
Các đơn vị rà soát, đẩy mạnh công tác xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng CSDL phục vụ công tác quản lý.
Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo dõi, chỉ đạo sát sao để khôi phục mạnh mẽ hơn hoạt động vận tải đường bộ, làm tốt hơn nữa hoạt động duy tu sửa chữa đường bộ, trong đó ưu tiên sữa chữa kịp thời các tuyến quốc lộ trọng yếu; khẩn trương thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về hoạt động thu phí điện tử không dừng.
Cục Hàng không Việt Nam sớm sử dụng phần mềm PC-Covid19 để hành khách khai báo y tế và phục vụ công tác kiểm soát dịch cũng như tập trung hoàn thiện sớm đưa vào vào hoạt động các đường băng mới được sửa chữa tại hai sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất.
Cục Đường sắt Việt Nam nghiên cứu phối hợp với Tổng công ty ĐSVN sử dụng phần mềm PC-Covid19 để khai báo y tế và kiểm soát dịch đối với hành khách đi tàu. Bên cạnh đó cần sớm xem xét kế hoạch duy tu đường sắt năm 2022.
Cục QLXD tăng cường kiểm tra giá sát chất lượng, tiến độ các dự án. Các Ban QLDA tập trung thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công.
"Đối với các dự án cấp bách, nhất thiết phải kết thúc trong năm nay. Những dự án trong điểm quốc gia dứt khoát không được để chậm. Trong quá trình chuẩn bị đầu tư có vướng mắc gì, các đồng chí cần báo cáo ngay cho Vụ KHĐT, cho các Thứ trưởng phụ trách." Bộ trưởng khẳng định.
14 dự án giao thông cấp bách sẽ hoàn thành trong năm 2021 10 dự án đường bộ quan trọng, cấp bách (tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng) gồm: Dự án đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; cải tạo, nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn; QL27 đoạn tránh Liên Khương; nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự; đường nối QL4C và 4D (Km238 - Km414); QL3B (Km0 - Km 66+600); nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp; cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL24; cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL25; cải tạo, nâng cấp QL57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày. 4 dự án đường sắt quan trọng, cấp bách (tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng) gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh; gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang; cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn và dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM. |