- Triều Tiên hôm nay (31/5) đã rất tức giận trước việc Mỹ cho phép Hàn Quốc chế tạo nhiều tên lửa mạnh hơn, miêu tả đây là minh chứng cho thấy chính sách thù địch của Mỹ nhằm vào Triều Tiên. Bình Nhưỡng cảnh báo rằng điều này có thể dẫn đến một “tình huống nghiêm trọng và bất ổn” trên bán đảo Triều Tiên.
Mỹ và Hàn Quốc vừa tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương nhằm củng cố mối quan hệ liên minh bền chặt |
Những phát biểu giận dữ trên là phản ứng đầu tiên của chính quyền Chủ tịch Kim Jong Un trước cuộc họp thượng đỉnh diễn ra ngày 21/5 vừa rồi giữa Mỹ và Hàn Quốc. Trong cuộc họp thượng đỉnh đó, Mỹ đã chấm dứt lệnh cấm kéo dài nhiều thập kỷ trong đó không cho phép Hàn Quốc phát triển tên lửa tầm xa hơn 800km. Hiện tại, Washington đã cho phép Seoul phát triển tên lửa với tầm bắn không hạn chế.
Mỹ trước đó cấm Hàn Quốc phát triển tên lửa có tầm bắn từ 800km trở lên vì lo ngại viễn cảnh một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Tầm bắn trên chỉ đủ cho Hàn Quốc tấn công toàn bộ lãnh thổ của Triều Tiên nhưng không thể vươn đến các nước láng giềng như Trung Quốc và Nhật Bản.
Một số nhà quan sát Hàn Quốc ca ngợi bước đi dỡ bỏ hạn chế của Mỹ, miêu tả đó là hành động phục hồi chủ quyền quân sự cho nước này. Tuy nhiên, một số khác tin rằng ý định của Mỹ là nhằm tăng cường năng lực quân sự cho đồng minh của họ trong bối cảnh họ đang đối đầu với Trung Quốc.
“Bước đi hủy bỏ lệnh cấm là lời nhắc nhở rõ ràng về chính sách thù địch của Mỹ với Triều Tiên và chính sách hai mặt đáng xấu hổ của họ”, ông Kim Myong Chol - một nhà phê bình về các vấn đề quốc tế cho biết trên hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên - KCNA. “Tuy nhiên, Mỹ đã sai lầm. Đây là sai lầm nghiêm trọng của họ khi gây áp lực với Triều Tiên bằng cách tạo ra sự bất cân bằng ở trong và xung quanh bán đảo Triều Tiên bởi điều đó chỉ có thể dẫn đến tình hình bất ổn và nghiêm trọng trên bán đảo Triều Tiên - khu vực vốn về lý thuyết vẫn đang có chiến tranh với nhau”, ông Kim Myong Chol nói.
Việc Triều Tiên cáo buộc Mỹ có chính sách thù địch với họ sẽ gây ra vấn đề bởi Bình Nhưỡng sẽ không quay trở lại bàn đàm phán chừng nào chính sách thù địch của Mỹ còn tiếp tục. Tuy nhiên, những phát biểu mới nhất của phía Triều Tiên vẫn là do một nhà bình luận cá nhân đưa ra, chưa phải là cơ quan chính phủ. Điều này có thể là tín hiệu cho thấy Triều Tiên có thể vẫn muốn mở cơ hội cho tiến trình ngoại giao với chính quyền Tổng thống Biden.