- Một nguồn tin cho biết Mỹ sẽ không trừng phạt công ty chịu trách nhiệm xây dựng Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 - một dự án khí đốt lớn giữa Nga-Đức và là dự án đang bị Mỹ phản đối quyết liệt. Diễn biến này cho thấy Mỹ không muốn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ với Đức. Tuy nhiên, động thái của Mỹ cũng khiến chính quyền của Tổng thống Joe Biden vấp phải làn sóng chỉ trích gay gắt vì không theo đuổi chính sách cứng rắn với Nga như các tuyên bố trước đây.
![]() |
Mỹ phản đối quyết liệt Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 |
Nord Stream 2 AG và Giám đốc điều hành Matthias Warnig của tập đoàn này - một cựu điệp viên Đông Đức và hiện là một ông chủ đầu tư, đang tham gia vào “các hoạt động có thể bị trừng phạt” nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ đã hủy bỏ các biện pháp trừng phạt đó vì lý do liên quan đến lợi ích quốc gia, Axios dẫn lời một số nguồn tin giấu tên cho biết.
Thông tin trên đã “làm phát nổ một quả bom” bên trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden. Các thành viên của Đảng Cộng hòa và nhiều quan chức chính quyền thời Donald Trump đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích Đảng Dân chủ là “đạo đức giả” khi nhiều năm chỉ trích Tổng thống Trump là “điệp viên của Nga”.
Tổng thống Biden “đang tích cực giúp ông Putin xây dựng đường ống khi đốt”, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ted Cruz mỉa mai. Ông này còn nói thêm rằng, “Khách quan mà nói, chính quyền ông Biden đang dần định hình trở thành chính quyền thân Nga nhất thời hiện đại”.
Bà Morgan Ortagus – nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao thời Tổng thống Trump miêu tả quyết định mới của chính quyền Biden là “một chiến thắng thêm nữa cho Nga”. “Tôi không phải là một chuyên gia năng lượng nhưng hủy bỏ các đường ống khí đốt của Mỹ trong khi phê chuẩn các đường ống của Nga là đi ngược lại với lợi ích quốc gia”, bà Ortagus bình luận.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng nói ông này sẽ “làm bất kỳ điều gì có thể để ngăn chặn Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2”.
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 nếu được xây dựng sẽ giúp chuyển khí đốt từ Nga đi qua Biển Baltic đến Đức. Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 trở nên gây tranh cãi sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Berlin “trở thành con tin của Nga” vì mua khi đốt của Moscow.
“Đức hoàn toàn bị kiểm soát bởi Nga. Tôi cho rằng điều đó rất là tồi tệ đối với NATO, và tôi không nghĩ điều đó nên xảy ra”, cựu Tổng thống Trump từng phát biểu như vậy tại một cuộc họp của G7. “Các bạn chỉ đang làm cho Nga trở nên giàu hơn. Các bạn không phải là đang đối đầu với Nga, các bạn đang làm cho Nga giàu hơn”, ông Trump nói.
Đức nhập 55 tỉ mét khối khí đốt, 70% nhu cầu của nước này, từ Nga và đường ống dẫn khí đốt mới sẽ giúp tăng gấp đôi số lượng khí đốt nhập khẩu.
Ukraine cũng quan ngại về dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 bởi nước này sợ rằng một hệ thống đường ống khí đốt chạy qua lãnh thổ của họ có thể sẽ không còn được cần đến nữa. Phần phí mà Ukraine thu được từ việc đóng vai trò làm trạm trung chuyển khi đốt cho Nga chiếm một phần lớn trong ngân sách của họ.
Tuy nhiên, cả Nga và Đức đều trấn an rằng, Ukraine vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hoạt động vận chuyển khí đốt cho Châu Âu.