- Mỹ hôm qua (3/3) đã hoan nghênh kế hoạch của Đức trong việc đưa tàu chiến đi qua khu vực Biển Đông nóng bỏng. Mỹ miêu tả hành động của Đức là một sự ủng hộ được hoan nghênh đối với “trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền” ở Biển Đông - một trật tự mà theo Washington là đang bị Trung Quốc đe dọa.
![]() |
Một tàu khu trục của Đức |
Các quan chức chính phủ Đức hôm 2/3 cho biết một tàu khu trục của Đức sẽ thực hiện một hành trình đến Châu Á vào tháng 8 và trên đường trở về chiến hạm này sẽ trở thành tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông kể từ năm 2002.
Chuyến đi của tàu chiến Đức sẽ đánh dấu lần đầu tiên sau 19 năm nước này cho một chiến hạm đi qua Biển Đông và đây được xem là một “chiến dịch tự do hàng hải”.
"Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình, sự ổn định, sự tôn trọng luật pháp quốc tế, quyền được thực hiện các hoạt động giao thương hợp pháp không bị cản trở, tự do hàng hải và các hoạt động sử dụng biển một cách hợp pháp khác”, một nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
"Chúng tôi hoan nghênh sự ủng hộ của Đức cho việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Cộng đồng quốc tế có lợi ích sống còn trong việc duy trì, bảo vệ một trật tự rộng mở trên biển”.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các nước có thể hưởng sự tự do hàng hải và tự do bay qua bầu trời ở các vùng biển dựa trên luật pháp quốc tế nhưng nhấn mạnh “họ không thể lấy đó làm cái cớ để làm phương hại chủ quyền và an ninh của các nước ven biển”. Trung Quốc là nước đang tham lam đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang ngang nhiên đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông - một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.
Trung Quốc đã và đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và giờ là quân sự hóa ở Biển Đông. Trong một động thái làm đẩy cao căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc gần đây liên tiếp cho triển khai vũ khí, trong đó có các tên lửa, đến các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Khi Trung Quốc leo thang các hoạt động quân sự ở Biển Đông, Mỹ cũng đã gia tăng áp lực với Trung Quốc bằng những lời chỉ trích, lên án công khai cùng với các hoạt động quân sự. Mỹ liên tục cho các tàu chiến đến khu vực phạm vi 12 hải lý so với những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý và tham lam của Bắc Kinh ở Biển Đông. Sau Mỹ, đến lượt Anh và gần đây nhất là Pháp đã đưa tàu chiến vào Biển Đông để thách thức Trung Quốc. Các nước như Nhật Bản, Ấn Độ... cũng đã có những động thái nhất định nhằm phản đối các đòi hỏi chủ quyền và cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông.
Với sự tham gia của Đức, có thể thấy hầu như tất cả các cường quốc trên thế giới đã can dự vào Biển Đông do các hành động đáng lo ngại của Trung Quốc ở một trong những vùng biển quan trọng hàng đầu của thế giới.