- Ngoại trưởng các nước thành viên ASEAN hôm qua (2/3) đã có cuộc họp trực tuyến với chính quyền quân sự Myanmar và trong cuộc họp này, các nước láng giềng đã gây sức ép đòi Myanmar phải phóng thích Nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và ngừng dùng vũ lực “gây thảm họa và chết người”.
![]() |
Biểu tình ở Myanmar |
Trước đó, trong diễn biến mới nhất liên quan đến các cuộc biểu tình chống đảo chính ở Myanmar, các nhân chứng cho biết, cảnh sát đã bắn đạn thật nhằm giải tán đám đông người biểu tình ở thành phố tây bắc Kale. 4 người đã bị thương trong vụ việc. Những người biểu tình đã ném các đồ vật vào lực lượng cảnh sát.
Các lực lượng an ninh Myanmar đã tiến hành cuộc đàn áp bạo lực nhằm vào người biểu tình từ hôm 27/2, sau nhiều tuần diễn ra làn sóng biểu tình, phần lớn là hòa bình, nhằm phản đối cuộc đảo chính mà quân đội thực hiện hôm 1/2.
Hôm 28/2, cảnh sát Myanmar đã nổ súng vào người biểu tình, khiến ít nhất 18 người thiệt mạng, văn phòng nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho biết. Con số trên đánh dấu ngày chết chóc nhất trong làn sóng biểu tình chống đảo chính.
Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã lên án tình trạng bạo lực ở Myanmar, nói rằng họ có “thông tin đáng tin cậy” khẳng định ít nhất 18 người đã thiệt mạng ngày hôm qua và hơn 30 người khác bị thương.
Một loạt thành phố bao gồm Yangon, Dawei và Mandalay đã báo cáo về con số thương vong sau khi cảnh sát sử dụng đạn thật và hơi cay để tấn công người biểu tình.
Hôm 1/2, quân đội Myanmar đã chiếm quyền lãnh đạo đất nước, tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp trong thời gian một năm, với lý do đưa ra là cáo buộc về tình trạng gian lận trong cuộc bầu cử diễn ra hôm 8/11/2020. Trong cuộc bầu cử đó, đảng của Nhà lãnh đạo Suu Kyi giành chiến thắng vang dội. Quân đội Myanmar tuyên bố họ cam kết với nền dân chủ và sẽ tổ chức một cuộc bầu cử mới, công bằng sau khi tình trạng khẩn cấp kết thúc.