- Liên minh Châu Âu (EU) dự định sẽ tung ra đòn trừng phạt phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh đối với các đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tháng Ba này, có thể là ngay trước một cuộc họp thượng định của EU sau khi một cuộc họp của đại diện các nước thông qua quyết định trừng phạt. Đây là thông tin vừa được các nhà ngoại giao của EU tiết lộ.
![]() |
Tổng thống Putin |
"Tôi mong chờ các biện pháp trừng phạt thêm nữa sẽ được áp đặt đối với Nga trước khi cuộc họp thượng đỉnh của EU bắt đầu trong tháng Ba”, một nhà ngoại giao cấp cao của EU cho biết. Lãnh đạo của 27 nước thành viên EU sẽ nhóm họp tại Brussels vào 25-26/3. Trước đó, Ngoại trưởng các nước thành viên EU sẽ có cuộc họp vào ngày 22/3.
Tại cuộc họp của các đại sứ EU diễn ra hôm thứ Tư (17/2) vừa rồi, các nước EU đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Các nước như Thụy Điển, Đức, Pháp, Ba Lan và các nước Baltic tất cả đều kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh đối với một số cá nhân Nga.
Các nước EU không thảo luận đến việc ngừng dự án đường ống khí đốt Nord Stream II từ Nga đến Đức bất chấp việc có một số thành viên kêu gọi trừng phạt cả dự án này. Không rõ những cá nhân nào của Nga sẽ là mục tiêu bị EU trừng phạt sắp tới.
EU gần đây liên tục đe dọa áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì vấn đề liên quan đến nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny.
Áp lực từ các biện pháp trừng phạt đang tăng lên đối với Nga kể từ khi Moscow khiến các nước Châu Âu tức giận bằng việc trục xuất các nhà ngoại giao Đức, Ba Lan và Thụy Điển mà không nói gì với vị quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU đang có chuyến thăm Nga vào thời điểm đó. Paris và Berlin nói rằng, họ chắc chắn phải có đòn đáp trả Moscow.
Mỹ và EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ ngày 31/7/2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng.
Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên.
Với việc EU lại nhăm nhe ý định tung thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, giới chức Moscow đã tỏ ra rất tức giận. Ngoại trưởng Nga từng cảnh báo, những biện pháp trừng phạt thêm nữa của EU có thể khiến Nga cắt đứt quan hệ với liên minh này.