- Trung Quốc hôm qua (16/2) đã cử hai chiến hạm của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản trong bối cảnh hai nước đang tranh chấp căng thẳng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
![]() |
Tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc |
Hai tàu của Trung Quốc, trong đó có một tàu được trang bị súng thần công, sáng qua (16/2) đã xâm nhập vào vùng lãnh hải gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư – một quần đảo đang nằm trong sự quản lý của Tokyo nhưng bị Bắc Kinh tranh chấp, đòi chủ quyền, báo chí Nhật Bản đưa tin.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang là trung tâm của cuộc đối đầu lâu dài nhiều năm giữa hai nước láng giềng.
Vụ xâm nhập diễn ra sau khi Trung Quốc ban hành Luật Bảo vệ Bờ biển mới, trong đó có luật cho phép các lực lượng trên biển của nước này có thể sử dụng vũ khí chống lại bất kỳ tàu nước ngoài nào được cho là mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư được xem là có giá trị chiến lược và kinh tế lớn bởi nó rất gần với các tuyến đường biển quan trọng và có các ngư trường đánh cá giàu có, phong phú.
Nhật Bản có tranh chấp lãnh thổ với cả Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan xung quanh quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Chùm đảo này nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan.
Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền với chùm đảo trên. Cuộc tranh chấp này là nguyên nhân cho mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ nay.
Hồi tháng 9/2010, quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đã từng rơi vào căng thẳng trầm trọng sau vụ va chạm giữa một tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản với một tàu cá Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Sau khi Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc, Bắc Kinh đã nổi giận tung ra một loạt các biện pháp đáp trả như thắt chặt các hạn chế thương mại, huỷ các cuộc tiếp túc, trao đổi về văn hoá, chính trị...
Cuộc khủng hoảng trên sau đó đã được giải quyết khi Nhật Bản thả thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những năm qua, hai nước này vẫn thỉnh thoảng lại lục đục với nhau vì cuộc tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.