- UBND TP Hà Nội vừa ban hành các Quyết định để công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở tại sông Bùi, sông Đáy trên địa bàn các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa và Chương Mỹ.ư
![]() |
Ảnh minh họa |
Theo đó, tại Quyết định số 5321/QĐ-UBND, Thành phố công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông Bùi, Sông Đáy trên địa bàn xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội,.
Cụ thể: Sạt lở bờ hữu sông Bùi và sông Đáy, đoạn từ vị trí trạm bơm thôn Thượng đến nhà ông Trần Văn Sáng, chiều dài khoảng 300m và đoạn từ nhà ông Nguyễn Văn Phương đến nhà bà Đàm Thị Phượng chiều dài khoảng 900m.
Các cung sạt nối tiếp nhau tạo vách thẳng đứng, hàm ếch dưới chân mái bờ sông, làm hư hỏng, nứt, đổ các công trình phụ, tường rào, chuồng trại và làm mất đất ở, đất vườn của các hộ dân; tiềm ẩn nguy cơ làm mất an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 40 hộ dân thôn Phúc Lâm Thượng, Phúc Lâm Trung và Phúc Lâm Hạ, xã Phúc Lâm.
Theo Quyết định số 5322/QĐ-UBND, Thành phố công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, cụ thể: Sạt lở xảy ra tại bờ tả sông Bùi thuộc Đội 8 và Đội 9, thôn 5, xã Quảng Bị bao gồm: Đoạn từ nhà ông Lê Đình Nghĩa đến nhà ông Đinh Văn Cường, chiều dài khoảng 480m; đoạn từ nhà ông Nguyễn Viết Thế đến nhà ông Nguyễn Khả Thực, chiều dài khoảng 800m và đoạn từ nhà ông Đỗ Viết Tiến đến nhà ông Nguyễn Khả Cư, chiều dài khoảng 660m.
Các cung sạt tạo vách thẳng đứng, làm hư hỏng, nứt, đổ một số công trình phụ, sân, tường bao của các hộ dân và làm mất đất ở, đất vườn của các hộ dân, tiềm ẩn nguy cơ làm mất an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân sát ven sông và một số công trình công cộng (trạm bơm, trường học, đường giao thông).
Theo Quyết định số 5323/QĐ-UBND Công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông Đáy trên địa bàn các xã: Phú Nam An, Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, cụ thể: Tại xã Phú Nam An: Sạt lở xảy ra tại bờ hữu sông Đáy, đoạn từ vị trí nhà bà Hàm Nguyện đến nhà ông Lê Công Ninh, chiều dài khoảng 750m và đoạn từ nhà ông Lê Công Hứa đến nhà ông Vũ Ngọc Thiện, chiều dài khoảng 900m.
Các cung sạt nối tiếp nhau tạo vách thẳng đứng, hàm ếch dưới chân mái bờ sông, làm hư hỏng, nứt, đổ tường bao nhà văn hóa, tường kè, đường giao thông, các công trình phụ, tường rào và làm mất đất ở, đất vườn của một số hộ dân, tiềm ẩn nguy cơ làm mất an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến 57 hộ dân sát ven sông và một số công trình nhà văn hoá, đường giao thông thuộc xóm Kho, xóm Cõi và làng Tân Thôn, xã Phú Nam An.
Tại xã Hòa Chính, sạt lở xảy ra tại bờ hữu sông Đáy đoạn qua thôn Yên Nhân từ nhà ông Nguyễn Đăng Hùng đến nhà ông Nguyễn Đăng Hiện, chiều dài khoảng 750m; đoạn qua thôn Lý Nhân từ nhà ông Lê Văn Núi đến nhà ông Lê Văn Tài dài khoảng 250m và đoạn qua thôn Phụ Chính từ nhà ông Trần Văn Đán đến nhà ông Nguyễn Văn Chung chiều dài khoảng 400m.
Các cung sạt nối tiếp nhau tạo vách thẳng đứng, làm hư hỏng, nứt, đổ các công trình phụ, sân, tường bao và làm mất đất ở, đất vườn của các hộ dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 100 hộ dân sinh sống sát ven sông.
Theo Quyết định số 5324, Thành phố công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở bờ Sông Đáy trên địa bàn xã Viên An, huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội. Cụ thể, sạt lở bờ tả sông Đáy đoạn từ vị trí nhà bà Nghiêm Thị Thuyên đến nhà ông Đặng Văn Khánh, chiều dài khoảng 1.200m.
Các cung sạt nối tiếp nhau tạo vách thẳng đứng, hàm ếch dưới chân mái bờ sông, làm hư hỏng, nứt, đổ một số công trình phụ, tường rào, chuồng trại và làm mất đất ở, đất vườn của các hộ dân, tiềm ẩn nguy cơ làm mất an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến đến 56 hộ dân thôn Phù Yên, xã Viên An và người dân hoạt động tại khu chợ Ba Thá.
Các vị trí sạt lở nêu trên đang diễn biến phức tạp, uy hiếp đến an toàn tuyến bờ tả sông Đáy, nếu không được xử lý kịp thời có thể tiếp tục gây sạt lở và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân sinh sống gần các khu vực sạt lở.
UBND TP yêu cầu UBND các huyện: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa thực hiện các biện pháp ngăn không cho người dân vào khu vực sạt lở; kịp thời tuyên truyền, thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng phạm vi nguy cơ sạt lở tiếp diễn hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố để người dân biết chủ động phòng tránh; hạn chế tàu thuyền qua lại khu vực sạt lở và bố trí cán bộ ứng trực theo quy định;
3 huyện nói trên được yêu cầu phối hợp với Sở NN&PTNT, các cơ quan chuyên môn liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở. Chỉ đạo UBND các xã có vị trí sạt lở phối hợp với Chi cục Phòng, chống thiên tai xây dựng phương án, tổ chức xử lý giờ đầu, sẵn sàng ứng phó sự cố theo phương châm "4 tại chỗ", hạn chế sự cố phát triển thêm, đảm bảo an toàn công trình đê điều; kịp thời sơ tán đảm bảo an toàn về người và tài sản của các hộ dân sinh sống gần khu vực sạt lở; tuyên truyền vận động người dân bàn giao mặt bằng để triển khai khắc phục sự cố.
Sở NN&PTNT cũng phải tổ chức thực hiện ngay việc khoanh vùng vị trí sạt lở và phạm vi có nguy cơ sạt lở; cảnh báo và đặt biển báo sự cố; thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình diễn biễn sạt lở và tiến độ khắc phục sự cố;
Đồng thời chỉ đạo Chi cục Phòng, chống thiên tai chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa theo dõi chặt chẽ diễn biến các sự cố; xây dựng và tố chức thực hiện phương án xử lý giờ đầu theo phương châm "4 tại chỗ".