- Theo Tiễn sĩ Lã Thị Lan, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, một số nội dung liên quan đến người nhiễm HIV/AIDS trong bộ phim 'Lửa ấm' phát trên VTV1 'sai rất nghiêm trọng', khiến người dân hiểu sai dẫn đến sợ hãi, kỳ thị người HIV.
Tại buổi giao ban báo chí của Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều 24/11, TS. Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) đã thông tin về những thành công rất đáng ghi nhận trong công tác chống dịch HIV/AIDS của Thành phố. Đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của truyền thông đối với những thành tựu đã đạt được, tuy nhiên, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cũng nhấn mạnh, nếu tuyên truyền không đúng, không chính xác sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại.
Bà Lan dẫn chứng, theo dõi tập 36, 37 của bộ phim “Lửa ấm” đang phát trên VTV1, bà nhận thấy có rất nhiều sai sót nghiêm trọng về kiến thức đối với phơi nhiễm HIV/AIDS. Cụ thể, theo TS. Lan, trong phim “Lửa ấm” chiếu cảnh một chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy bế người bị tai nạn giao thông đến bệnh viện, việc bác sĩ nói “anh đã bị phơi nhiễm HIV” là chưa chuẩn xác.
"Đó là cách tuyên truyền sai, bởi vì không phải cứ tiếp xúc với máu của người nhiễm HIV/AIDS là bị phơi nhiễm” - bà Lan nói và nhấn mạnh, việc tuyên truyền sai có thể dẫn đến nhiều người sợ hãi, không dám cấp cứu cho người bị tai nạn giao thông nữa vì sợ bị lây nhiễm HIV/AIDS. Dẫn chứng chi tiết xử lý “phơi nhiễm HIV” trong bộ phim bị làm sai một cách nghiêm trọng, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, theo cảnh trong phim “Lửa ấm”, sau khi đưa ra kết quả của bệnh nhân dương tính với HIV, các bác sĩ trao đổi với nhau và cho rằng nữ bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân đã bị phơi nhiễm HIV nên “phải cách ly hai ngày” để phòng chống lây nhiễm HIV ra ngoài cộng đồng.
“Tất cả các bác sĩ trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS của chúng tôi đều dậy sóng sau câu nói này. Thực sự chúng tôi rất buồn về việc này", bà Lan chia sẻ và nói thêm: "Không biết có phải vì thời gian qua nói nhiều đến COVID quá, nên thấy COVID cách ly 14 ngày thì HIV nhẹ hơn, đạo diễn cho cách ly 2 ngày".
Phân tích tiếp về hành vi, thái độ, biểu cảm của các diễn viên trong phim đối với vấn đề HIV, bà Lan cho biết, trong cảnh phim, người nhà của nữ bác sĩ rất hoảng hốt vì tưởng "phơi nhiễm HIV là chết đến nơi" và cô bác sĩ này sau đó cũng nhắn tin cho con để thông báo về tình hình của mình như thể đây là những lời nói cuối cùng. Điều đó cho thấy, những người làm phim hiểu sai nghiêm trọng về phơi nhiễm, xử lý phơi nhiễm.
Phó Giám đốc CDC Hà Nội nhấn mạnh, phơi nhiễm HIV không gây chết người và có nhiều trường hợp bị phơi nhiễm rất sâu như bác sĩ mổ bị xương của bệnh nhân nhiễm HIV cắt đứt tay, hay người nghiện nhiễm HIV sau khi được lấy máu, giật xilanh máu bơm ngược lại vào bác sĩ, đều không bị nhiễm HIV. Bà Lan lo ngại, việc phim cho nhân vật có dấu hiệu bị phơi nhiễm đi cách ly là sai rất nghiêm trọng, có thể khiến người xem hiểu lầm và sợ bệnh HIV quá mức cần thiết.
Theo bà Lan, những thông tin về phơi nhiễm được tuyên truyền rất nhiều, là kiến thức căn bản về bệnh này. Vậy mà người làm phim lại để lọt lỗi sai như vậy trong một bộ phim chiếu giờ vàng khiến những người làm công tác phòng chống dịch HIV/AIDS rất lo lắng.
Chỉ cần uống thuốc ARV, bệnh nhân HIV hoàn toàn không có khả năng lây nhiễm
“Chỉ cần uống thuốc ARV, bệnh nhân HIV sống thọ như người bình thường, hoàn toàn không có khả năng lây nhiễm” - Đây là thông tin quan trọng được Phó Giám đốc CDC Hà Nội đưa ra để giải thích thêm về việc vì sao căn bệnh HIV/AIDS không còn là căn bệnh đáng sợ nữa, và việc bộ phim “Lửa ấm” xử lý thông tin sai sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch.
Minh chứng cho điều này, bà Lã Thị Lan cho biết, bệnh nhân đầu tiên được phát hiện có HIV ở Việt Nam cách đây 30 năm (1991) hiện vẫn còn sống, và trẻ em mắc HIV hiện đang được đi học bình thường. “Các tai nạn rủi ro nghề nghiệp được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV kịp thời, không ai lây nhiễm HIV” - bà Lan thông tin.
Hà Nội bắt đầu triển khai điều trị ARV từ năm 2004 tại bệnh viện Đống Da với 50 bệnh nhân được điều trị từ 1 dự án do Pháp tài trợ. Năm 2006, bắt đầu mở rộng ở 7 cơ sở và đến nay Hà Nội đã có 23 cơ sở điều trị ARV. Ngoài ra, có 8 trung tâm chữa bệnh - giáo dục lao động xã hội và 2 trại giam cũng tham gia hỗ trợ điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS.
Cùng với đó, 100% các cơ sở điều trị được duy trì đủ thuốc kháng virus HIV và thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân.
Đáng chú ý, năm 2020, bệnh nhân bắt đầu chuyển đổi phác đồ điều trị TLD, là phác đồ có hiệu quả ức chế virus cao và nhanh.