- Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố các kỹ năng ngoại ngữ sẽ được đánh giá bổ sung không bắt buộc trong chương trình đánh giá giáo dục quốc tế PISA, bắt đầu áp dụng từ năm 2025 với việc đối chiếu trình độ tiếng Anh trong các trường học trên toàn thế giới.
Nằm trong khuôn khổ hợp tác với OECD, các bài kiểm tra sẽ được phát triển bởi Hội đồng Khảo thí Tiếng Anh Cambridge (Cambridge Assessment English) - một tổ chức phi lợi nhuận trực thuộc Đại học Cambridge. Trong tương lai, các chương trình đánh giá có thể sẽ được triển khai và áp dụng với nhiều ngôn ngữ khác.
![]() |
Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA có quy mô toàn cầu với chu kỳ ba năm một lần nhằm đánh giá năng lực của học sinh tuổi 15 trong các môn học chính, hiện áp dụng cho toán học, khoa học và đọc hiểu. Chương trình được thiết kế nhằm cung cấp dữ liệu giúp các quốc gia cải thiện chính sách và kết quả giáo dục. Bằng cách đưa ngoại ngữ vào chương trình để đánh giá bổ sung, OECD mong muốn cho phép các quốc gia theo dõi sự tiến bộ và xác định phương pháp tốt nhất trong việc dạy và học ngoại ngữ.
Khoảng 600.000 học sinh từ các trường được lựa chọn ngẫu nhiên sẽ tham gia vào mỗi bài đánh giá PISA, đưa PISA trở thành chương trình đánh giá năng lực lớn nhất, khách quan nhất trên thế giới về kết quả giáo dục. Đặc biệt, bài đánh giá ngoại ngữ hứa hẹn sẽ cung cấp những thông tin chiều sâu chưa từng có về hiệu quả của việc dạy và học ngoại ngữ trên toàn thế giới.
Minh Ngọc