- Tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về rừng và thủy điện, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa đề nghị “không thể nói chung chung như thế…”.
VnMedia xin trân trọng giới thiệu phần tranh luận của ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.
Kính thưa Quốc hội,
Tôi có một vài ý kiến muốn tranh luận với Bộ trưởng. Hôm qua, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nói, chúng ta trước đây có 9 triệu hecta rừng, bây giờ có 14 triệu hecta rừng, đó là tốt, là ưu điểm. Tôi muốn hỏi thêm, mấy chục năm trước chúng ta có 9 triệu hecta rừng nhưng mà bao nhiêu rừng tự nhiên và bao nhiêu rừng trồng? Bây giờ chúng ta có 14-15 triệu hecta rừng là bao nhiêu rừng tự nhiên, bao nhiêu rừng trồng?
Bởi vì, vai trò của 2 loại rừng này khác nhau, không phải ngẫu nhiên mà ở các quốc gia cực kỳ rộng lớn về lãnh thổ như Mỹ hay Canada mà người ta kiên quyết bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng tự nhiên. Chỗ này chưa làm rõ.
Bởi vì, đã có đại biểu thể hiện và tài liệu cũng cho thấy vai trò chức năng bảo vệ, năng lực bảo vệ đất đai, bảo vệ rừng, tích lũy nước ngầm của rừng tự nhiên rất là khác với rừng trồng. Rừng trồng được phép khai thác, 3 năm đến 5 năm là chặt đi, trồng mới thì nó khác. Ngay chỗ này, tôi đề nghị là mình không thể nói chung chung như thế để mình so sánh đơn giản thế được.
Điều thứ hai là về thủy điện. Thủy điện này cũng vậy, chúng ta không thể đổ thừa phía thủy điện nhưng ngay chỗ này, một dòng sông nó chịu được bao nhiêu thủy điện? Nếu dòng sông này cho 3 thủy điện thì nó khác, mà chúng ta cho 8 cái thì nó khác.
Khi xét duyệt một, hai, ba cái thủy điện đầu tiên, chúng ta xét nghiệm một cách khác, nhưng khi bắt đầu cái thứ tư, thứ năm, thứ sáu thì tác động của nó đã khác rồi, mà không thể xét duyệt như cái một, cái hai, cái ba được.
Cho nên, nếu chúng ta đơn giản hóa những chỗ này thì không thấy được trách nhiệm của nhà nước ở đâu. Từ đây, tôi phát biểu ý thứ hai là vai trò của nhà nước trong kinh tế thị trường.
Điều này đã ghi trong Nghị quyết Đại hội Đảng VI, VII, VIII, IX, X đều có nói trong kinh tế thị trường thì vai trò làm kinh tế chủ yếu là doanh nghiệp và đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước chỉ làm vai trò bà đỡ hoặc những khu vực mà tư nhân không thể đầu tư được.
Bản chất của tư nhân là họ tối đa hóa lợi nhuận, họ rất sáng tạo, rất thông minh và rất nhạy bén ở những nơi nào mà có thể tạo ra lợi nhuận, điều đó cũng không phải là gì xấu. Nhưng khi như vậy họ có thể xung đột với những lợi ích khác, lợi ích của các tầng lớp, các thành phần khác, nhiều khi họ chỉ nghĩ đến lợi ích 5 năm, 10 năm, họ không nghĩ đến lợi ích 20 năm, 30 năm, họ nghĩ đến lợi ích kinh tế, họ không nghĩ đến lợi ích chính trị hay là văn hóa, xã hội.
Chính vì vậy, chúng ta cần có nhà nước trong kinh tế thị trường và người ta hay gọi là bàn tay vô hình hay bàn tay hữu hình. Nhà nước ở đây là xây dựng thể chế và đặc biệt có vai trò phải làm trọng tài và nếu cần phải làm quan tòa để xử lý các lợi ích. Nếu chúng ta liêm khiết, đầy đủ thì chúng ta sẽ xử lý tất cả những xung đột lợi ích, đó để hài hòa tất cả các lợi ích vì lợi ích chung của đất nước.