Xử phạt hành chính bằng cắt điện nước: “Dễ cho chính quyền, khó cho dân”

0
0

 - Theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc đưa quy định xử phạt hành chính bằng cách cắt điện nước vào trong Luật là thiếu nhân văn, dễ cho chính quyền, khó cho người dân, ảnh hưởng đến các đối tượng không vi phạm...

Xung quanh chế định về việc đưa biện pháp ngừng cung cấp điện, nước vào trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, các đại biểu Quốc hội tiếp tục có những ý kiến trái chiều, trong đó đa số các đại biểu không đồng tình, cho rằng quy định này thiếu nhân văn, không khả thi, gây nhiều hệ lụy.

Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) cho rằng, Luật đã có “thừa và đủ” các quy định để ngăn chặn, xử lý các vi phạm và nếu các cơ quan, đơn vị xử lý quyết liệt thì “Không cá nhân nào có thể chống lại các quyết định của cơ quan nhà nước”, do đó, không cần đến quy định cắt điện nước - một quy định “quá dễ dàng cho chính quyền”.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An

Theo đó, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu thẳng thắn nói: “Tôi dám cam đoan với Quốc hội là không có một vụ vi phạm hành chính nào mà chính quyền các cấp từ xã, huyện đến tỉnh phát hiện kịp thời và ngăn chặn một cách quyết liệt theo Luật Xử lý vi phạm hành chính mà không thành công". “Chúng ta chỉ có thể bỏ qua, thờ ơ rồi làm không đến nơi đến chốn thì nó mới tồn tại, còn chúng ta đã quyết tâm, quyết liệt thì không có một doanh nghiệp nào, không có một cá nhân nào có thể chống lại các quyết định của cơ quan nhà nước” - đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh.

Vị Nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An “trân trọng đề nghị Quốc hội đừng tạo điều kiện cho cơ quan hành pháp một cách quá dễ dàng khi mà chúng ta thấy rằng các biện pháp của pháp luật đã có thừa và có đủ rồi.”

Đặc biệt nhấn mạnh về hậu quả của việc cắt điện nước, ông Cầu nêu ví dụ: “Tôi lấy ví dụ một nhà dân xây dựng ở địa bàn vùng, thành phố phải có giấy phép hoặc là họ thi công không đúng, chúng ta cắt điện, nước tòa nhà đó thì bà già lấy nước đâu để uống? Trẻ con lấy nước đâu để tắm? Đi đâu để kiếm nước để uống? Trong lúc đó chúng ta có thể khấu trừ, có thể đình chỉ và thậm chí chúng ta tháo dỡ công trình, họ phải chấp hành theo luật. Chúng ta cắt như thế thì tính nhân đạo của chúng ta không còn và chúng tôi cũng đề nghị là không nên tạo điều kiện thuận lợi quá cho cơ quan hành pháp khi thực hiện mà chưa hết trách nhiệm của mình” - đại biểu Nguyễn Hữu Cầu thẳng thắn nêu quan điểm.

Cùng quan điểm này, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nhấn mạnh, riêng hợp đồng điện và hợp đồng nước đã ký kết giữa người tiêu dùng và công ty điện, công ty cấp nước. Như vậy, nếu yêu cầu dừng thì ảnh hưởng ngay đến hợp đồng đó. “Mà đây là hợp đồng dân sự, rõ ràng ngay khi chúng ta đưa quy định vào đã thấy ảnh hưởng đến người thứ ba, chưa nói là những người cùng sử dụng điện nước. Như vây, những chi phí sau khi đóng điện, nước lại thì ai phải chịu chi phí này” - đại biểu tỉnh Quảng Nam đặt vấn đề.

Ông Phan Thái Bình cũng khẳng định: “Dự thảo luật đang đưa theo hướng đây là biện pháp cuối cùng, nhưng tôi tin chắc rằng sẽ là biện pháp được áp dụng đầu tiên. Bởi vì, rất dễ áp dụng, đưa cái khó cho người người dân, đồng thời tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước, như vậy là không nên". Đại biểu Phan Thái Bình đề nghị không nên bổ sung quy định này vào Luật. “Nếu như chúng ta vẫn giữ 2 phương án, tôi đề nghị đưa ra Quốc hội xin biểu quyết bằng phiếu,để chúng ta xác định chọn phương án nào cho hợp lý, mà được sự đồng thuận theo đa số” - đại biểu Phan Thái Bình nêu ý kiến.

Cho ý kiến về điều khoản này, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cũng cho rằng, áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp dịch vụ điện, sẽ dẫn đến vi phạm quyền của con người và các nguyên tắc xử phạt, không phân hóa rõ ràng được trách nhiệm hành chính. Đồng thời, việc cung cấp dịch vụ điện, nước được thực hiện theo hợp đồng dân sự được ký kết giữa hộ gia đình, cá nhân, tổ chức với đơn vị cung cấp dịch vụ.

“Việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này không thể hiện tính nhân văn và chưa thuyết phục, tính khả thi không cao và trái với nguyên tắc tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm quy định trong Bộ luật Dân sự. Bên cạnh đó, còn thể hiện sự thiếu hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước và hiệu lực của các quy định pháp luật của nhà nước” - đại biểu Thúy nhấn mạnh.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) thì cho rằng, việc bổ sung biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là cần thiết nhưng phải làm thận trọng và chỉ trong một số lĩnh vực. Đại biểu tỉnh Kon Tum cũng cho rằng, việc cung cấp điện, nước nằm trong một hệ thống điện và hệ thống nước cho những người khác có liên quan, như vậy cần phải gắn trách nhiệm của chủ thể cung cấp dịch vụ thì phương án mới khả thi.

Còn theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An), đối với các tổ chức vi phạm, nhà nước có quyền sử dụng các biện pháp chế tài hữu hiệu để xử lý các hành vi vi phạm này. 

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) đề nghị, trong trường hợp vẫn giữ quy định này thì chỉ nên áp dụng trong lĩnh vực xây dựng.

“Trước đây, tôi có hỏi anh em ở bên thanh tra xây dựng, họ nói rằng trước đây các biện pháp này được áp dụng thì cũng không mấy có hiệu lực, chủ các công trình họ cũng không sợ, bởi vì việc áp dụng cắt điện, nước cũng chỉ áp dụng có thời hạn, không phải là cắt vĩnh viễn. Nó cũng phiền hà đến việc họ triển khai các hoạt động xây dựng tiếp, nhưng thực tế họ không lo sợ gì việc đó” - ông Cương nói.

Ngược lại, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đề nghị căn cứ vào hành vi cụ thể, trường hợp cụ thể để quyết định chứ không căn cứ vào lĩnh vực. “Nếu chúng ta chỉ áp dụng trong lĩnh vực xây dựng và môi trường, ví dụ như một đồng tôm mà cắt điện thì chắc chắn một thời gian rất ngắn cả cánh đồng tôm sẽ chết, vừa thiệt hại kinh tế, còn gây hậu quả môi trường lớn hơn. Theo quan điểm của tôi, áp dụng biện pháp này bằng hành vi cụ thể và trường hợp cụ thể. Điện, nước phải là công cụ để thực hiện hành vi vi phạm phạm hành chính, chỉ sử dụng trong trường hợp đó thôi” - đại biểu Trần Đình Gia nêu ý kiến.

 

Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.