- Mỗi năm Hà Nội dành khoảng 7.000 tỷ đồng ngân sách để xây mới, nâng cấp các tuyến đường. Tuy nhiên, số tiền này chỉ đáp ứng 20% nhu cầu thực tế. Thành phố muốn dùng các quỹ nhà, đất sau khi sắp xếp lại trụ sở các cơ quan đơn vị làm đất đối ứng, tạo nguồn thu…
Mỗi năm chi 7.000 tỷ đồng từ ngân sách để xây mới
Ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Thành phố Hà Nội cho biết, trung bình mỗi năm TP dành khoảng 7.000 tỷ đồng từ ngân sách để xây dựng mới, nâng cấp các tuyến đường. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% so với nhu cầu thực tế…
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, trong 5 năm qua, hàng loạt các công trình giao thông được khởi công xây dựng, đưa vào khai thác sử dụng như cầu Nhật Tân, đường cao tốc từ Hà Nội đi Lào Cai, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hòa Bình… tạo điều kiện để Hà Nội chủ động đầu tư kết nối các tuyến đường do Trung ương đầu tư với đường địa phương; chủ động trong công tác quản lý, duy tu duy trì và phát huy được đúng tiềm năng của mình.
Nhiều công trình giao thông trọng điểm do TP thực hiện cũng đã được hoàn thành, góp phần cải thiện, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc giao thông hiệu quả như Vành đai 2; cầu Vĩnh Tuy; Vành đai 3, trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ); QL1A (đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi); cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, An Dương - Thanh Niên. Nhờ đó, giao thông đã và đang phát huy tích cực vai trò nguồn lực quan trọng trong sự phát triển chung của TP.
Ông Vũ Hà cũng cho biết, trung bình mỗi năm TP dành khoảng 7.000 tỷ đồng ngân sách để xây dựng mới, nâng cấp các tuyến đường. Dù vậy, khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% so với nhu cầu thực tế, 80% là huy động từ các nguồn PPP, ODA...
“Có thể nói một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là việc huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông. Thiếu vốn là nguyên nhân chủ yếu làm chậm bước phát triển kế cấu hạ tầng giao thông”, ông Vũ Hà nói.
Do vậy, hiện Thủ đô vẫn chưa có tuyến vành đai nào được đầu tư hoàn chỉnh; các cầu vượt sông còn thiếu so với nhu cầu; mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung chưa đầu tư hình thành đồng bộ; các tuyến đường sắt đô thị vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng.
Để huy động hiệu quả nguồn lực cho đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, theo lãnh đạo sở GTVT Hà Nội, thời gian tới TP cần có các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường nguồn vốn.
![]() |
Ảnh minh họa |
Đưa quỹ nhà đất làm vốn đối ứng
Một trong những giải pháp được Phó Giám đốc Sở GTVT nêu, đó là là rà soát các quỹ nhà, đất sau khi sắp xếp lại trụ sở các cơ quan đơn vị, quỹ đất trước đây dự kiến bố trí làm đất đối ứng triển khai cho các dự án đầu tư theo hình thức BT để chủ động lập quy hoạch, tổ chức đấu giá, tạo nguồn thu theo đúng quy định.
Thứ hai là xây dựng cơ chế đầu tư và hình thức đầu tư TOD (mô hình đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm) để khai thác quỹ đất tại các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị… tạo nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng cũng như quản lý khai thác vận hành chính các tuyến này.
TP cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định, thủ tục, cơ chế chính sách để tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất đấu giá, vừa tạo nguồn thu vừa tạo mặt bằng phục vụ thi công các công trình. Bố trí, giao vốn và thanh toán linh hoạt đối với chi phí giải phóng mặt bằng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án…
Cũng theo ông Vũ Hà, TP sẽ phải tăng cường phân cấp cho các quận, huyện có nguồn thu lớn, có năng lực về tổ chức, quản lý đầu tư tốt để chủ động đầu tư, nhằm hỗ trợ giảm tải áp lực ngân sách TP.
Trong khi đó, TP nên tập trung đầu tư các tuyến đường kết nối liên huyện, đường sắt đô thị; ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ cho các địa phương còn khó khăn.
“Điều quan trọng là phải bố trí đủ vốn cho các dự án theo quy hoạch, làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư” - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà nhấn mạnh.