- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương, bộ ngành tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ trên hệ thống sông Hồng và mực nước các hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà; Theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp...
Vùng áp thấp sắp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 01 giờ ngày 06/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 13,0-14,0 độ Vĩ Bắc; 114,2-115,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 300km về phía Bắc.
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 01 giờ ngày 07/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 330km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 16,0 độ Vĩ Bắc; từ 110,5 đến 116,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp kết hợp với gió mùa Tây Nam nên ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Sóng biển cao 2,0-4,0m. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
Mưa lớn kéo dài ở Trung Bộ
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 06-11/10, ở các tỉnh Trung Bộ có khả năng mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 300-500mm/đợt, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt; các tỉnh Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 200-350mm/đợt; các tỉnh Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-250mm/đợt.
Sau ngày 11/10, mưa lớn ở các tỉnh Trung Bộ có diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài.
![]() |
Gió mùa Đông Bắc và mưa lớn vùng núi Bắc Bộ
Hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các nơi ở phía Đông Bắc Bộ. Dự báo ngày 06/10, KKL tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ngày 06/10, khu vực vùng núi Bắc Bộ còn có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Ở vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc cấp 6, giật cấp 8, biển động; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: cấp 1.
Về tình hình mưa, Ban Chỉ đạo cho biết, từ 19h/02/10 đến 19h/05/10, các khu vực trên cả nước rải rác có mưa vừa, mưa to, tổng lượng mưa phổ biến từ 70-100mm. Một số trạm có tổng lượng mưa lớn như: Cao Bồ (Hà Giang) 120mm, Thượng Lâm (Tuyên Quang) 102mm, Hương Sơn (Hà Nội) 117mm, Phước Cát 2 (Lâm Đồng) 168mm, Biên Hòa (Đồng Nai) 122mm, Bà Rịa (Bà Rịa – Vũng Tàu) 210mm.
Trên sông Đà, lưu lượng đến hồ Hòa Bình tiếp tục dao động theo điều tiết của thủy điện Sơn La. Mực nước sông Thao, hạ lưu sông Lô tiếp tục biến đổi chậm. Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục xuống nhanh trong 12h tới, sau biến đổi chậm. Đến 7h/07/10 mực nước tại Hà Nội có khả năng xuống mức 2,70m.
Mực nước các sông trên hệ thống sông Thái Bình tiếp tục dao động do ảnh hưởng của thủy triều. Đến 19h/06/10, mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại có khả năng ở mức 1,40m.
Về tình hình hồ chứa, theo Ban chỉ đạo, hồ Hòa Bình đã mở 01 của xả đáy vào lúc 24h00 ngày 05/10/2020, hồ Thác Bà chủ động vận hành các cửa xả để đưa Htl hồ về cao trình +58,0m
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và áp thấp nhiệt đới
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương, bộ ngành tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ trên hệ thống sông Hồng và mực nước các hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà để tham mưu chỉ đạo, điều hành kịp thời, đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du các hồ chứa;
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp, mưa, lũ, dông, lốc, sét kịp thời cảnh báo đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền
Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các khu nuôi trồng thủy sản ven biển, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công.
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn.
Rà soát, sẵn sàng phương án bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT&TKCN.