- Ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, trong đêm 9/10 và ngày 10/10, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to. Dự báo, từ ngày 11-13/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
![]() |
Ảnh minh họa |
Ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hiện nay, ở các tỉnh Trung Bộ vẫn tiếp tục có mưa, mưa lớn tập trung ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Lũ trên sông Ngàn Sâu, sông Bồ đang tiếp tục lên, sông Thạch Hãn đang lên lại, các sông khác ở Quảng Bình – Thừa Thiên Huế đang dao động ở mức cao, các sông ở Quang Nam, Quảng Ngãi đang xuống.
Theo ông Long, trong trận lũ vừa qua mực nước đỉnh lũ tại trạm Đông Hà trên sông Hiếu (Quảng Trị) đã vượt lũ lịch sử năm 1983 là 0,11m. Đây là mực nước cao nhất của đợt mưa lũ từ ngày 6-9/10 và đỉnh lũ cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc được tại trạm. -
Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ (trên dải hội tụ nhiệt đới tồn tại các vùng áp thấp) và kết hợp với hoạt động của không khí lạnh. Nếu so sánh đỉnh lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi trong đợt lũ này (từ 6-9/10) với đỉnh lũ cao nhất năm 2017 thì phổ biến ở mức thấp hơn, riêng sông Kiến Giang và Thạch Hãn ở mức cao.
Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên trong đêm 9/10 và ngày 10/10, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 300mm; ở Nam Nghệ An, Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 50-100mm, có nơi trên 100mm.
Đáng chú ý, theo ông Long, hiện nay, dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 12-15 độ vĩ Bắc nối với một vùng áp thấp trên khu vực giữa biển đông, vùng áp thấp ngày có khả năng mạnh lên thành ATNĐ/bão. Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, từ ngày 11-13/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
“Trong những ngày tới tình hình lũ trên các sông ở khu vực Trung Bộ còn diễn biến phức tạp, lũ trên các sông có khả năng lên trở lại. Các địa phương ở khu vực Trung Bộ cần chú ý theo dõi chặt chẽ và cập nhật thường xuyên các thông tin dự báo và chủ động phòng chống với tình huống lũ lớn diễn ra trên diện rộng có thể tiếp tục xảy ra.” - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhận định tình hình mưa lũ từ nay đến cuối năm tại khu vực miền Trung, ông Long cho biết, hiện nay, khí quyển đã chuyển sang trạng thái La nina, do đó từ nay cho đến cuối năm tình hình mưa lũ ở khu vực miền Trung còn diễn biến phức tạp và nhiều khả năng xuất hiện thêm các đợt mưa lũ lớn ở khuvực này.
Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành ATNĐ, đồng thời diễn biến mưa lũ lớn trong những ngày tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT – Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận và Tây Nguyên; các Bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau: 1. Đối với tuyến biển và ven bờ: - Theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm do áp thấp trong 24h tới từ vĩ tuyến 12-16 độ vĩ Bắc, từ 114-118 độ kinh Đông và được cập nhật theo các bản tin của cơ quan dự báo. - Theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền. - Hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các bến, các khu vực cửa sông khi có lũ lớn, đảm bảo an toàn. - Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển; lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản và bảo vệ công trình ven bờ. 2. Đối với tuyến đất liền: Tiếp tục triển khai nghiêm túc công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 08/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ. 3. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tấn, báo chí của trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật về diễn biến của áp thấp có khả năng mạnh lên thành ATNĐ, mưa lớn; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động phòng tránh và ứng phó phù hợp. 4. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN. |