- Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 6 quan chức Nga vì cáo buộc “cố tình ám sát” nhà vận động chống tham nhũng Alexey Navalny. Các quan chức này sẽ bị cấm đến các nước thuộc EU và bất kỳ tài sản nào của họ ở trong các nước EU đều bị phong tỏa.
![]() |
EU tiếp tục trừng phạt Nga |
Các quan chức châu Âu nhấn mạnh những người trong danh sách trừng phạt biết rõ về vụ tấn công nhằm vào ông Navalny hồi tháng 8 hoặc bản thân họ có dính líu đến vụ việc.
Trong số 6 quan chức Nga bị trừng phạt có hai nhân vật nổi bật là Phó Chánh văn phòng Nga Sergey Kirienko và Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) Alexander Bortnikov. Ông Kirienko trở thành Thủ tướng trẻ nhất của Nga năm 1998, khi ông Boris Yeltsin trao vị trí này cho ông khi ông mới chỉ 35 tuổi.
Người đứng đầu Ban cố vấn chính sách cho Tổng thống Putin - ông Andrey Yarin, đặc phái viên của tổng thống về Siberia Sergey Menyailo cùng với hai Thứ trưởng Quốc phòng Alexey Krivoruchko và Pavel Popov cũng có mặt trong danh sách bị trừng phạt của EU.
Theo tài liệu công bố chính thức, EU đã nói rằng liên minh này thấy “hợp lý khi kết luận rằng” 6 cái tên được đưa ra trong danh sách trừng phạt biết rõ về vụ đầu độc. Cụ thể, ông Kirienko bị cáo buộc “xui khiến và hậu thuẫn cho những người thực hiện vụ đầu độc hoặc liên quan đến vụ đầu độc” trong khi ông Bortnikov được cho là “tiếp tay” cho vụ việc này. Ông Bortnikov vốn đang phải chịu một gói trừng phạt khác của EU sau khi xung đột nổ ra ở Đông Ukraine.
Ông Navalny đã tỉnh lại sau khi bị hôn mê hồi đầu tháng 9. Ông này đã bất ngờ bị ốm trong chuyến bay ở Siberia hôm 20/8 và sau đó được đưa đến Berlin chữa trị. Các bác sĩ người Đức cho rằng ông Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh của Nga mang tên Novichok.
Đức, Pháp và các nước phương Tây đòi điện Kremlin phải giải thích vụ ông Navalny bị đầu độc. Nga tuyên bố họ không thấy có bất kỳ bằng chứng chắc chắn nào chứng tỏ ông Navalny bị đầu độc đồng thời bác bỏ cáo buộc Moscow có liên quan đến vụ việc.
Trong bối cảnh như vậy, Đức và Pháp đã vận động các thành viên trong EU áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga vì cáo buộc Moscow liên quan đến vụ đầu độc chính khách đối lập. Kết quả là EU đã nhất trí tung ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.
Vụ việc liên quan đến ông Navalny đã làm xấu thêm mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây.
Mỹ và EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ ngày 31/7/2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng.
Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên.