- Trước tòa, bị Trần Anh Quang khai rằng, bị cáo là lái xe nhưng được con trai ông Trần Bắc Hà “nói khó”, nhờ đứng tên Tổng giám đốc Công ty Bình Hà...
Bị cáo Đoàn Hồng Dũng được dẫn giải tới phiên toà |
Ngày 28/10, phiên xử sơ thẩm 12 bị cáo trong vụ thất thoát 1.664 tỷ đồng tại ngân hàng BIDV tiếp tục với phần xét hỏi 12 bị cáo.
Trước đó, ngày 27/10, HĐXX đã xét hỏi liên quan đến hành vi vi phạm trong việc cấp tín dụng cho Công ty TNHH thương mại và du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng) xảy ra tại BIDV chi nhánh Hà Thành.
Theo cáo buộc, Theo cáo buộc, từ tháng 2- 3/2012, lợi dụng sự tin tưởng của BIDV giao cho Công ty Trung Dũng tự quản lý lô hàng nhập khẩu là tài sản đảm bảo cho khoản phát hành L/C, ông Đoàn Hồng Dũng (cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng) đã thống nhất với vợ là Nguyễn Thị Thanh Sơn (thành viên góp vốn Công ty Trung Dũng, Giám đốc Công ty Hà Nam) dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của NH.
Vợ chồng đại gia này dùng pháp nhân của Công ty Hà Nam, Công ty Trung Dũng ký hợp đồng mua thép phế và phôi thép của Công ty Trung Dũng tại BIDV, sau đó bán cho Công ty TISCO. Việc này nhằm tránh sự kiểm soát dòng tiền của BIDV đối với Công ty Trung Dũng.
Tiền thu được từ việc bán hàng, vợ chồng đại gia không chuyển về tài khoản của Công ty Trung Dũng tại BIDV để thanh toán cho đối tác nước ngoài khi đến hạn như đã cam kết với BIDV mà dùng để trả nợ cho Công ty Hà Nam, Công ty Trung Dũng và dùng vào các mục đích khác.
Tổng số tiền vợ chồng ông Hồng Dũng đã chiếm đoạt của BIDV là hơn 12 triệu USD (tương đương hơn 263 tỷ đồng), hiện Công ty Trung Dũng không có khả năng trả nợ.
Sáng nay, HĐXX dành thời gian thẩm vấn ông Hồng Dũng về quan hệ với ông Trần Bắc Hà, nhưng bị cáo một mực cho rằng mình “chưa đến lượt”.
HĐXX đặt câu hỏi: Tại sao bị cáo không có quan hệ gì với ông Trần Bắc Hà mà ông Hà lại có công văn chỉ đạo Chi nhánh Hà Thành cho Công ty Trung Dũng vay tiền? Bị cáo đừng coi thường trí thông minh của HĐXX. Lúc này, ông Hồng Dũng chỉ im lặng.
Theo lời khai của bị cáo Sơn, vì bị nhiều chủ nợ thúc ép, vợ chồng bị cáo đã phải bán số thép là tài sản dùng thế chấp cho BIDV để lấy tiền trả nợ.
Các bị cáo tại phiên xét xử |
Trong phần xét hỏi chiều cùng ngày, HĐXX làm rõ việc liên quan đến dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt, các bị cáo chiếm đoạt hơn 149 tỷ đồng tiền bán bò.
Theo cáo trạng, quá trình triển khai dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt, Công ty Bình Hà thực hiện việc bán bò thịt thông qua các công ty môi giới là Công ty Vĩnh Phát, Công ty Hantechco và các lò mổ.
Theo quy định tại hợp đồng hạn mức mà Công ty Bình Hà ký với Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Hà Tĩnh, tiền bán bò của công ty sẽ phải đưa vào tài khoản của Công ty Bình Hà tại BIDV, Chi nhánh Hà Tĩnh để ngân hàng (NH) này quản lý, đối trừ công nợ.
Do không có tiền góp vốn, nên theo chỉ đạo của con trai ông Trần Bắc Hà là Trần Duy Tùng, bị cáo Đinh Văn Dũng (TGĐ giai đoạn từ tháng 4/2015-10/2016), bị cáo Trần Anh Quang (TGĐ giai đoạn từ tháng 10/2016) và Thái Thành Vinh đã chiếm đoạt tiền bán bò để góp vốn cá nhân, chứng minh vốn đối ứng với BIDV, để NH tiếp tục giải ngân vốn vay và dùng vào mục đích cá nhân khác.
Cụ thể, sau khi nhận tiền bán bò từ các công ty môi giới, các bị cáo không đưa về tài khoản của Công ty Bình Hà để NH quản lý theo quy định mà chiếm đoạt bằng việc yêu cầu công ty môi giới chuyển tiền nộp vào tài khoản cá nhân các cổ đông, sau đó các cá nhân này dùng để nộp tiền góp vốn (chuyển đến tài khoản của Công ty Bình Hà).
Hoặc các công ty môi giới sẽ nộp tiền trực tiếp vào tài khoản của Công ty Bình Hà theo yêu cầu của các cá nhân, chứng minh vốn đối ứng với NH để tiếp tục được NH giải ngân và dùng vào mục đích cá nhân khác.
Với thủ đoạn trên, từ tháng 5/2016-1/2017, Đinh Văn Dũng, Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh đã chiếm đoạt hơn 149 tỷ đồng tiền bán bò.
Tại tòa, bị cáo Quang cho rằng mình bị oan. Theo lời khai của bị cáo, Quang gọi ông Trần Bắc Hà là ông trẻ, gọi Trần Duy Tùng là chú.
Là lái xe cho Trần Duy Tùng, khoảng năm 2010, 2011, Tùng nhờ bị cáo đứng tên pháp nhân Công ty An Phú, bởi khi đó ông Trần Bắc Hà là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, không được phép vay NH.
Vẫn theo lời khai của Quang, đến tháng 8/2016 bị cáo mới biết mình là cổ đông của Công ty Bình Hà. Lúc đó, bị cáo không đồng ý, nhưng Trần Duy Tùng “nói khó”, nhờ bị cáo đứng tên TGĐ và bị cáo đã đồng ý.
Quang khai chỉ làm theo chỉ đạo của Tùng, sau này làm việc với CQĐT, bị cáo mới biết mình sai phạm phạm luật. Tiền bị cáo nộp vào tài khoản của Công ty Bình Hà.
(Tổng hợp)