- Một chiến đấu cơ Su-27 của Nga đã nhận được lệnh cất cánh khẩn cấp đi chặn một máy bay trinh sát U-2S của Không lực Mỹ và một máy bay tuần tra hàng hải P-3C Orion của Đức ở bầu trời biển Baltic, Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Nga hôm qua (26/10) cho biết.
![]() |
Chiến đấu cơ Su-27 |
Các hệ thống radar của Nga đã phát hiện ra hai mục tiêu trên không đang tiến về biên giới của Nga hôm 26/10. Một chiến đấu cơ Su-27 thuộc lực lượng phòng không phản ứng nhanh đã nhận được lệnh cất cánh khẩn cấp đi xác định hai mục tiêu nói trên, tuyên bố của Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Nga cho hay.
"Các phi công của Nga sau đó đã xác định hai mục tiêu tiến về biên giới họ là một máy bay tuần tra hàng hải P-3C Orion của Hải quân Đức và một máy bay trinh sát U-2S của Không lực Mỹ. Chiến đấu cơ của Nga đã hộ tống hai chiếc máy bay ở bầu trời Biển Baltic", Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Nga cho biết thêm.
Sau khi các máy bay quân sự nước ngoài bay đi khỏi biên giới nước Nga, chiến đấu cơ của Nga đã quay trở về căn cứ an toàn. Các máy bay trinh sát nước ngoài không được phép xâm phạm viên giới của Nga, Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Nga nhấn mạnh.
Máy bay của Nga đã tuân thủ nghiêm túc các quy định quốc tế về sử dụng không phận, phía Nga cho hay.
Sukhoi Su-27 vốn là niềm tự hào của Không quân Nga. Đây là đối thủ trực tiếp của những loại máy bay chiến đấu thế hệ mới của Mỹ như F-14 Tomcat, F-15 Eagle, F-16 Fighting Falcon và F/A-18 Hornet. Một chuyên gia về máy bay chiến đấu từng nhận xét Su-27 là một chiến đấu cơ thiện chiến, dễ điều khiển và hoàn hảo cho các cuộc không chiến.
Máy bay Nga và máy bay của các nước phương Tây đối đầu với Nga trong những năm gần đây thường xuyên có những cuộc chạm trán nguy hiểm ở bầu trời các khu vực ở Biển Đen và biển Baltic, khiến mối quan hệ vốn đã “cơm không lành, canh không ngọt” giữa hai bên càng thêm căng thẳng. Biển Đen và Biển Baltic lâu nay vốn được coi là “sân sau” của Nga nhưng các nước phương Tây gần đây thường xuyên đưa các lực lượng quân sự, cả tàu chiến và máy bay quân sự, vào các khu vực này, khiến Moscow cảm thấy bất an.
Những vụ đối đầu trên không kiểu như trên diễn ra thường xuyên kể từ khi mối quan hệ giữa Nga và NATO rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow.
Mặc dù những cuộc chạm trán trên không kiểu như trên thường xuyên diễn ra nhưng chúng chưa gây ra bất kỳ nguy hiểm nào cho bất kỳ ai. Tuy vậy, tình trạng gia tăng những cuộc chạm trán như vậy khiến cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây thêm căng thẳng.