- Trước thông tin dư luận đánh giá chương trình lớp 1 mới quá nặng gây vất vả khó khăn cho cả học sinh, phụ huynh và giáo viện, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho rằng, chương trình mới bắt đầu được một tháng mà kêu nặng là chưa đúng thời điểm và chưa đủ căn cứ.
Những ngày gần đây, 2-3 tuần bước vào năm học mới, nhiều phụ huynh có con học lớp 1 đã đặc biệt bức xúc cho rằng con em họ đang phải học một chương trình quá nặng, không phù hợp với việc cải cách. Nhiều người đánh giá đây là một lần “cải cách lùi”, khiến cả học sinh, phụ huynh và giáo viên vất vả.
Chị Thúy (Ba Đình, Hà Nội) có con đầu năm nay vào lớp 1. Chị cho biết đã “phòng xa” khi quyết định tự dạy chữ trước cho con cách đây vài tháng. Trước khi vào năm học mới khoảng 1 tháng, chị cũng cho con đi học thêm của một giáo viên lớp 1. Tuy nhiên, khi con vào học được khoảng 2 tuần, chị đã “thấm” thế nào là sự vất vả của một “sinh viên lớp 1”.
“Con tôi vừa vào lớp 1 đã phải đi học thêm một tuần 2 buổi cùng với rất nhiều bạn cùng lớp, vậy mà cô giáo vẫn liên tục nhắn tin cho các mẹ là “các con đọc quá chậm, không theo được chương trình” - chị Thúy chia sẻ. Chị Thúy cũng cho biết, ở lớp con chị có một số bé không đi học trước nên cuối giờ nào cũng phải ở lại để cô giáo dạy kèm.
“Cứ kêu gọi không cho trẻ đi học trước, nhưng đến khi đi học mới thấy choáng. Đi học trước mà vẫn còn chật vật, hôm nào về cô cũng bắt luyện viết 2 trang, rồi luyện đọc” - chị Minh Thu, một phụ huynh có con đi học ở quận Thanh Xuân cho biết. Chị Thu chia sẻ, mới vào tuần thứ 3 mà sách tiếng Việt đã yêu cầu phân biệt ng đơn, ng kép (ngh) trong khi con còn chưa thuộc hết mặt chữ cái. Không những thế, bài học trong sách còn yêu cầu các bé phải đọc nhiều câu hoàn chỉnh.
Cả chị Thu và chị Thúy đều cho biết con lúc đầu rất hào hứng đi học, nhưng càng ngày càng sợ đi học và đến tuần thứ 3, cứ nói đến viết chữ là lại mếu máo, chảy nước mắt. Chị Thu còn cho biết, con chị sang tuần thứ hai là liên tục kêu đau bụng khi đến lớp. Khi đi khám, bác sĩ cho biết cháu bị triệu chứng ruột kích thích do căng thẳng.
Trong khi đó, một số phụ huynh cũng phản ánh, do không cho con đi học trước nên vừa vào năm học đã bị cô giáo nhận xét là "sức học yếu" khiến các bé rất mất tự tin. "Thực tế ngay buổi học đầu, khi cô giáo chỉ lên biển hiệu ở lớp hỏi có bạn nào biết đọc không, đã có nhiều bạn giơ tay đọc làu làu và được cô khen" - một phụ huynh chia sẻ.
![]() |
Một bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 ở tuần thứ 3 - ảnh: Zing.vn |
“Chưa đủ căn cứ để kêu chương trình nặng”
Trả lời báo chí về vấn đề này, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ GD&ĐT chưa nhận được ý kiến chính thức bằng văn bản từ cá nhân hay tổ chức nào phản ánh chương trình nặng. Về ý kiến của dư luận, TS Thái Văn Tài, cho rằng, chương trình mới vừa bắt đầu được 1 tháng nhưng nhiều ý kiến kêu nặng là “chưa đúng thời điểm và chưa đủ căn cứ.”
Theo phân tích của Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, để có được chương trình này, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều công đoạn, đã lấy ý kiến của Hội đồng thẩm định quốc gia, hội đồng các nhà khoa học. “Nếu chúng ta tiếp cận chương trình sau khi trải qua những quy trình rất chặt chẽ này mà nhận định nặng là chưa đủ căn cứ xác đáng”, ông Tài nhấn mạnh.
Ông Tài giải thích thêm, đối với với lớp 1, chương trình dựa trên quan điểm là sẽ cố gắng để học sinh có thể đọc thông, viết thạo càng sớm càng tốt và xem như đó là điều kiện để các em có thể học tốt các môn học khác. Tuy nhiên, TS Thái Văn Tài cũng cho biết, Bộ GD&ĐT đã đưa ra quy định mở để có thể điều chỉnh trong quá trình thực hiện. Trong quá trình triển khai, Bộ sẽ lắng nghe những ý kiến phát sinh. Khi đã đủ thời gian, đủ ý kiến của các nhà khoa học sẽ tổ chức đánh giá lại chương trình.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cũng cho rằng, nội dung biên soạn, toàn bộ chương trình Tiếng Việt của lớp 1 mới chưa đầy 2 trang giấy một năm, do đó, nhận xét chương trình là nặng trong khi mới học được 1 tháng là “khó khách quan”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Vụ phó Vụ Giáo dục Tiểu học Trần Thị Thắm cho rằng, chương trình lớp 1 hiện nay không nặng và "trẻ em dân tộc thiểu số vẫn tiếp thu tốt mà không cần học trước."