- Trước phản ứng của dư luận về sách giáo khoa lớp 1, ngày 05/10, sau đúng 1 tháng triển khai chương trình mới, Bộ GD&ĐT đã phải ban hành công văn yêu cầu các trường phải giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, đặc biệt “không giao thêm bài tập về nhà”.
Công văn số 3977/BGD&ĐT-GDTH của Bộ GD&ĐT gửi Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học, có 3 nội dung được Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT thực hiện nghiêm.
![]() |
Thứ nhất là chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học/hoạt động giáo dục. Kế hoạch này không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, đặc biệt “không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh”.
Thời khóa biểu cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học/hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.
Thứ hai, các Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 1315/BGD&ĐT-GDTH ngày 16/4/2020 về Hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn thực hiện CT GDPT cấp tiểu học. Song song với đó, các nhà trường tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng nhà trường thực hiện hiệu quả chương trình.
Yêu cầu thứ ba là các Sở GD&ĐT phải tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Sở chủ động phối hợp với các nhà xuất bản, cơ sở đào tạo giáo viên trong công tác bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên một cách phù hợp.
Trong quá trình triển khai thực hiện, các Sở GD&ĐT tăng cường nắm bắt thông tin phản ánh từ các nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh để trao đổi, cung cấp thông tin, giải đáp kịp thời và tổng hợp các ý kiến phản ánh về Bộ GD&ĐT (qua Vụ Giáo dục Tiểu học) theo quy định.
Theo Bộ GD&ĐT, năm học 2020-2021, là năm đầu tiên triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Qua kiểm tra, khảo sát ở một số địa phương, Bộ GD&ĐT đánh giá, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở; các giáo viên dạy lớp 1 bước đầu đã áp dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; nề nếp dạy học đã từng bước ổn định. Điều này tạo được sự chủ động, tự tin trong học tập cho học sinh lớp 1 đối với hầu hết các môn học/hoạt động giáo dục theo chương trình, sách giáo khoa mới.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số giáo viên, cha mẹ học sinh, chương trình, sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 còn có những khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học.
Công văn số 3977/BGD&ĐT-GDTH với 3 nhiệm vụ cụ thể được Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT nghiêm túc thực hiện, nhằm tiếp tục hỗ trợ các nhà trường, giáo viên triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Như vậy, trước ý kiến của dư luận, đặc biệt là phụ huynh về chương trình, sách giáo khoa lớp 1 thì nay, Bộ GD&ĐT đã đặt mọi trách nhiệm về việc hoàn thành chương trình cho giáo viên. Chắc chắn, đây sẽ là một khó khăn rất lớn cho đội ngũ giáo viên tiểu học, bởi 1 tháng qua, với sự hỗ trợ "đắc lực" của gia đình (mà có người cho biết phải ngồi học cùng con đến 12 giờ đêm), kèm theo với việc các cô tổ chức dạy thêm khá đại trà, mà học sinh còn khó theo được chương trình.
Vậy thì nay, chỉ với thời lượng trên lớp, liệu giáo viên có cách nào để giúp học sinh hoàn thành chương trình theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, một chương trình mà cả phụ huynh và giáo viên đều đang kêu là "rất nặng"?