- Xung đột vũ trang đêm qua (27/9) tiếp tục bùng lên giữa lực lượng quân sự hai nước Armenian và Azerbaijan ở dọc đường biên giới tranh chấp ở khu vực Nagorno-Karabakh. Cả hai nước đều tuyên bố chiến thắng và thông báo đã gây tổn thất cho lực lượng của nhau.
![]() |
Ảnh minh họa |
Azerbaijan và Armenia – hai kẻ thù truyền kiếp trong lịch sử, tiếp tục giao tranh suốt trong đêm qua (27/9) và kéo dài cho đến sáng nay (28/9) bất chấp việc ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo quốc tế lên tiếng kêu gọi hai bên ngừng bắn và giải tán binh sĩ khỏi khu vực tranh chấp.
Đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ “với mức độ căng thẳng khác nhau” trong đêm qua ở khu vực Nagorno-Karabakh, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Armenia cho biết. "Kẻ thù của chúng tôi tiếp tục tấn công, sử dụng đạn pháo và xe bọc thép, trong đó có tổ hợp hệ thống phun lửa hạng nặng - TOS," vị quan chức của Armenia cho biết thêm.
Quân đội Armenia đang ngăn chặn các cuộc tấn công, “gây tổn thất lớn cho kẻ thù về cả người và vũ khí."
Trong khi đó, Baku (Azerbaijan) đổ lỗi cho đối thủ của họ - Armenia về việc đã tấn công vào những khu vực đông dân của họ. Sáng nay, lực lượng Armenia đã bắn phá Terter – một thành phố nằm ở biên giới với khoảng 19.000 dân, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho báo chí biết. "Các biện pháp thích hợp” sẽ được thực thi nếu chiến dịch oanh tạc không dừng lại, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cảnh cáo.
Trước đó, Baku cho biết ít nhất 550 binh sĩ của Armenia đã bị thương vong trong “cuộc phản công” của họ và hàng chục xe tăng, bích kích pháo cũng như các hệ thống phòng không của Armenia đã bị phá hủy. Yerevan (Armenia) đã nhanh chóng phản pháo, khẳng định thông tin trên là “không có cơ sở."
Xung đột bắt đầu bùng lên từ sáng ngày hôm qua. Armenia cáo buộc Azerbaijan sử dụng máy bay chiến đấu và pháo hạng nặng để tấn công vào các mục tiêu ở Nagorno-Karabakh – một khu vực tranh chấp đang nằm dưới sự quản lý của Armenia và cũng đang có người dân Armenia sinh sống nhưng Azerbaijan đang đòi một phần đất ở khu vực này thuộc chủ quyền của họ.
Về phía mình, Baku cho biết họ đã phản công để đáp trả “các hành động khiêu khích” của Armenia. Cả hai bên đều đã tăng viện đến khu vực biên giới và đổ lỗi cho nhau về việc tấn công dân thường. Armenia và Azerbaijan đã nhiều lần giao tranh với nhau kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Xung đột mới nhất giữa Armenia và Azerbaijan đã khiến nhiều nước lo ngại. Mỹ, Pháp và Liên minh Châu Âu (EU) đều đã lên tiếng kêu gọi ngừng ngay lập tức các hành động thù địch ở Nagorno-Karabakh. Nga – nước có mối quan hệ thân thiết với cả Armenia và Azerbaijan, đã đề nghị đứng ở vai trò trung gian để giúp tháo gỡ cuộc đối đầu hiện nay. Nga đã thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ - nước đang hậu thuẫn cho Baku.
Tổng thống Putin đã nói với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan rằng mọi nỗ lực cần được tiến hành để ngăn chặn tình hình chiến sự leo thang ở Nagorno-Karabakh.
Tổng thống Nga nói rằng, Moscow rất lo ngại về tình trạng xung đột nổ ra giữa Armenia và Azerbaijan. Ông Putin tin rằng mục tiêu trước mặt của ông là chấm dứt các cuộc giao tranh, điện Kremlin cho biết trong một tuyên bố.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã gọi cho người đồng cấp ở cả hai nước Azerbaijan và Armenian để thể hiện nỗi lo ngại của Nga và kêu gọi họ ngừng xung đột với nhau.