- Điểm cấp cho giấy phép lái xe năm trước không được cộng dồn cho năm sau. Cục CSGT sẽ đề nghị áp dụng chính sách bảo hiểm có giá thấp hơn cho tài xế ít vi phạm; nhóm bị trừ điểm sẽ phải mua bảo hiểm giá cao hơn; việc xử phạt áp dụng với cả người điều khiển ô tô và xe máy.
Trừ điểm đối với cả người điều khiển ô tô và xe máy
Theo thông tin từ Cổng Thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT cho biết, hiện nay Luật của Việt Nam quy định hình thức xử phạt là phạt tiền, hình thức phạt bổ sung có thể tước GPLX. Khi hết thời hiệu xử lý vi phạm thì sẽ được trả lại GPLX, người vi phạm coi như là chưa vi phạm.
“Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy việc theo dõi hoạt động của người tham gia giao thông là quá trình. Hệ thống này ra đời thì các hành vi bị tước GPLX có thể giảm đi, thay vào đó là phạt tiền và song song là hệ thống theo dõi điểm phạt, trừ điểm và thông báo cho người tham giao thông biết mình bị trừ bao nhiêu điểm, còn bao nhiêu điểm để chấp hành tốt hơn.” – ông Bình nói.
Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, hiện nay, việc trừ điểm trên thế giới có 2 hình thức, một là trừ điểm gắn với vi phạm (kể cả vi phạm hình sự). Thứ 2 là song song với xử lý vi phạm. Ở Việt Nam, Chính phủ đã quyết định đây là hình thức xử lý song song với xử lý vi phạm.
Theo quy định trừ điểm thì hành vi đó sẽ quy đổi mất mấy điểm để cộng các lần vi phạm. Trong 1 năm, nếu trừ đến bằng 0 thì người vi phạm sẽ mất quyền lái xe. Việc này, chính là tạo cho người tham gia giao thông biết rằng mình phải chấp hành tốt để bảo vệ điểm của mình, để mình được lái xe.
Vấn đề nữa chúng tôi cũng đang nghiên cứu, đó là điểm GPLX cũng là một trong những căn cứ để nhà nước xây dựng chính sách bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ 3 của chủ xe cơ giới. Nếu những lái xe có nguy cơ rủi ro cao thì mức bảo hiểm sẽ cao.
Việc trừ điểm sẽ được áp dụng đối với cả GPLX ôtô và môtô, xe gắn máy. Các phương tiện giao thông có động cơ đều là nguồn nguy hiểm cao độ nên đều phải được quản lý. Trên thực tế, người điều khiển xe máy vi phạm rất nhiều lỗi như vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu... gây ra rất nhiều vụ tai nạn đau lòng. Chính vì vậy, việc trừ điểm đối với GPLX môtô, xe máy là rất cần thiết. Nếu bị trừ hết điểm thì người vi phạm không được .
Liên quan đến việc xử phạt lái xe có nồng độ cồn, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết: “Chúng tôi đang tính toán quy điểm, ví dụ đối với hành vi bị thu hồi GPLX 2 năm thì sẽ phải trừ điểm của 2 năm, tức là trong 2 năm đó cũng không được lái xe. Không chỉ thế, khi bị thu hồi GPLX thì trong vòng 6 tháng người vi phạm mới được thi lại GPLX. Như vậy, thời gian không được lái xe sẽ bị tăng lên thành ít nhất 30 tháng chứ không chỉ 24 tháng như hiện nay.
![]() |
Việc xử phạt trừ điểm sẽ áp dụng với cả người điều khiển ô tô và xe máy |
Không cộng dồn điểm cho năm sau
Đặc biệt, Phó cục trưởng Cục CSGT - Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, trong thời hạn một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu người lái xe không bị trừ hết điểm thì cơ quan chức năng sẽ cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp.
“ Trong một năm mà tài xế không vi phạm thì sẽ không được cộng tích luỹ điểm sang năm kế tiếp. Tài xế bị trừ hết điểm sẽ phải thi lại GPLX.” – Đại tá Bình nhấn mạnh.
Ông lấy ví dụ: Trong năm 2020, lái xe không vi phạm, không bị trừ điểm nào thì năm 2021 vẫn chỉ được cấp 12 điểm chứ không được cộng dồn điểm của năm 2020 thành 24 điểm. Điều này sẽ tránh được việc nhiều người có GPLX nhưng không điều khiển phương tiện, nếu cộng dồn điểm sang năm sau thì người đó vẫn không có kỹ năng lái xe thực tế.
“Chúng tôi đang đề nghị theo hướng, nếu lái xe chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT thì sẽ mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự với giá thấp hơn. Lái xe bị trừ điểm nhiều – tức là có nguy cơ mất an toàn cao hơn thì sẽ phải mua bảo hiểm với giá cao hơn.” – Đại tá Đỗ Thanh Bình nói thêm.