- Trung Quốc cáo buộc các binh sĩ của Ấn Độ đã xâm phạm bất hợp pháp vào đường biên giới tranh chấp và nổ súng “khiêu khích” với các binh sĩ đang đi tuần tra.
![]() |
Khu vực biên giới Trung-Ấn đang chứng kiến các cuộc đối đầu căng thẳng giữa lực lượng quân sự hai bên |
Lực lượng Trung Quốc đã “buộc phải có biện pháp đáp trả”, một phát ngôn viên quân đội Trung Quốc cho hay dù không rõ những biện pháp đáp trả đó là gì.
Lời cáo buộc của Trung Quốc nếu đúng thì đây sẽ là lần đầu tiên trong 45 năm có tiếng súng nổ ra ở khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước, phá vỡ một thỏa thuận về việc cấm sử dụng vũ khí ở khu vực này.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc dẫn lời phát ngôn viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) – Đại tá Zhang Shuili cho biết, quân đội Ấn Độ đã “xâm phạm bất hợp pháp vào Đường Ranh giới Kiểm soát Thực tế (LAC), đi vào khu vực miền núi Shenpao gần bờ phía nam của Hồ Pangong Tso". Động thái của Ấn Độ "đã vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận mà hai bên đạt được, làm khuấy lên căng thẳng trong khu vực", ông Zhang cáo buộc.
Tuy nhiên, Ấn Độ đã bác bỏ cáo buộc trên đồng thời khẳng định lực lượng quân sự của họ không hề xâm phạm biên giới của Trung Quốc và cũng không có phát súng nào được bắn ra. "Quân đội Ấn Độ không hề xâm phạm Đường Ranh giới Kiểm soát Thực tế (LAC) và cũng không dùng đến bất kỳ phương tiện gây hấn nào, trong đó có việc nổ súng”, tuyên bố chính thức của Ấn Độ cho hay.
Tuyên bố của Ấn Độ còn nhấn mạnh thêm rằng, quân đội của họ “cam kết duy trì hòa bình” nhưng cũng sẽ “quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền bằng mọi giá".
Ấn Độ cũng tố ngược lại rằng chính PLA mới là bên thường xuyên có các “động thái gây hấn".
Những diễn biến trên cho thấy mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục xấu đi nghiêm trọng sau những cuộc đụng độ căng thẳng ở khu vực biên giới tranh chấp trong những tháng gần đây.
Căng thẳng bắt đầu nổ ra lần đầu tiên vào đầu tháng Năm khi binh sĩ của Trung Quốc và Ấn Độ ẩu đả với nhau ở biên giới. Tình hình leo thang nghiêm trọng vào tháng Sáu khi lực lượng quân sự hai bên đụng độ với nhau bằng dùi cui, ném đá và dùng nắm đấm. Kết quả là có đến 20 binh sĩ của Ấn Độ thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Trung Quốc không công bố con số thương vong.
Giới phân tích tin rằng, cả Bắc Kinh và New Delhi đều không muốn để tình hình leo thang thành một cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự Rahul Bedi cho rằng, Ấn Độ đã thay đổi nguyên tắc đối đầu với phía Trung Quốc ở khu vực biên giới sau vụ đụng độ hồi tháng Sáu. Ông Bedi cho rằng, giới tướng lĩnh ở khu vực biên giới của Ấn Độ đã “được phép thực hiện các đòn đáp trả tương xứng và phù hợp đối với bất kỳ hành động thù địch nào từ phía Trung Quốc”.
Mặc dù quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong những năm gần đây đã được cải thiện. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Tuy nhiên, tranh chấp xung quanh đường biên giới dài 4.057km giữa hai nước này vẫn chưa được giải quyết. Năm 1962, giữa Ấn Độ và Trung Quốc từng nổ ra một cuộc chiến tranh ngắn liên quan đến tranh chấp biên giới.
Bắc Kinh đòi chủ quyền trên vùng lãnh thổ rộng khoảng 90.000 km, bao phủ gần hết bang Arunachal Pradesh. Trung Quốc gọi vùng lãnh thố đó là “Nam Tây Tạng". Trung Quốc liên tục nhắc đi nhắc lại rằng cuộc chiến năm 1962 chưa phải là chương cuối trong cuộc tranh chấp xung quanh bang Arunachal và rằng Arunachal vẫn là vùng lãnh thổ đang bị tranh chấp. Bất kỳ động thái nào của Ấn Độ nhằm xác định quyền kiểm soát đối với khu vực biên giới Arunachal đều khiến Trung Quốc nổi giận. Ví dụ như năm 1986, việc Ấn Độ nhắc đến Arunachal như là một bang của nước này đã châm ngòi cho một cuộc giao tranh ác liệt giữa hai nước ở Sumdurong Chu.