- Nga nhận thấy cơ hội gia hạn hiệp ước START Mới với Mỹ - hiệp ước vũ khí hạt nhân cuối cùng giữa hai nước, đang ở mức thấp nhất bởi Moscow không thể chấp nhận những điều kiện mà Washington đưa ra, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm qua (21/9) đã tuyên bố như vậy.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov |
Phát biểu trên được đưa ra sau khi ông Marshall Billingslea – Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Kiểm soát vũ khí, cho một tờ báo của Nga biết Moscow phải chấp nhận một thỏa thuận chung với Washington về việc gia hạn hiệp ước trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11 tới.
Mỹ đã đưa ra lời đề nghị với Nga theo đó, Moscow phải chấp nhận một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân mới không có giới hạn với vũ khí của NATO ở Châu Âu, nếu không Nga sẽ phải đối mặt với một kho vũ khí hạt nhân hiện đại của Mỹ ở ngay cửa ngõ của Nga.
"Tôi nghi ngờ rằng sau khi Tổng thống Trump tái đắc cử, nếu Nga không chấp nhận lời đề nghị của chúng tôi thì cái giá của sự chấp nhận sau này sẽ tăng lên”, ông Billingslea cho tờ Kommersant biết.
Ông Ryabkov cho rằng lập trường trên chẳng khác nào một tối hậu thư và nó làm giảm cơ hội để hai bên Nga, Mỹ ký được bất kỳ thỏa thuận nào nhằm gia hạn hiệp ước START Mới – hiệp ước sẽ hết hạn vào tháng Hai năm sau.
"Chúng ta không thể đàm phán theo kiểu này," hãng tin Itar Tass dẫn lời Thứ trưởng Ryabkov cho biết. Một hãng tin tin khác của Nga – RIA dẫn lời ông Ryabkov cho biết cơ hội để hai bên ký được thỏa thuận gia hạn hiệp ước vũ khí hạt nhân “đang ở mức tối thiểu".
Hiệp ước Cắt Giảm Vũ khí Chiến lược (START MỚI) bắt đầu có hiệu lực từ năm 2011 và có thời hạn 10 năm, đến năm 2021. Nó có thể kéo dài thêm 5 năm nếu Nga và Mỹ đạt được một thỏa thuận. Sau khi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) bị hủy bỏ , START MỚI hiện tại là bước cản trở cuối cùng để ngăn không cho thế giới rơi vào tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân không kiểm soát.
Nga đang thực sự lo ngại sau khi Mỹ quyết định phá bỏ INF và bắt đầu tiến hành các vụ thử tên lửa tầm trung cũng như thông báo về một loạt kế hoạch triển khai tên lửa ở Châu Âu, Châu Á. Hành động của Mỹ có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt, tốn kém và chứa đựng nhiều nguy cơ.
Nga không muốn viễn cảnh xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới vì thế Mowcow nhiều lần tha thiết mong muốn Washington ngồi vào bàn đàm phán để gia hạn START MỚI. Nga liên tục đề nghị Mỹ tiếp tục theo đuổi tiến trình kiểm soát vũ khí thay vì phá bỏ mọi hiệp ước có liên quan đến vấn đề kiểm soát vũ khí.
Tuy nhiên, Mỹ luôn phớt lờ những lời kêu gọi trên của Nga và trong diễn biến mới nhất mấy ngày qua, Washington đã lên tiếng nhưng đưa ra điều kiện mà Moscow không thể chấp nhận. Như vậy, khả năng hai cường quốc vũ khí hàng đầu thế giới đạt được một thỏa thuận gia hạn START mới là rất khó.