- Armenia sẵn sàng sử dụng các tên lửa đạn đạo Iskander đình đám của Nga ở khu vực Nagorno-Karabakh nếu Thổ Nhĩ Kỳ triển khai các chiến đấu cơ F-16 do Mỹ chế tạo để ủng hộ cho chiến dịch tấn công của Azerbaijan, giới chức Armenia hôm qua (28/9) đã cảnh báo như vậy. Armenia miêu tả các chiến đấu cơ F-16 như “Thanh gươm của Damocles” treo trên đầu người dân ở vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Đại sứ Armenia tại Nga Vardan Toganyan tuyên bố “tất cả các biện pháp, trong đó có tên lửa Iskander” đều đang được đưa lên bàn thảo luận nếu Ankara triển khai lực lượng chiến đấu cơ F-16.
Tuy nhiên, ông Toganyan cho rằng, chưa đến lúc họ phải triển khai các tên lửa tối tân Iskander. Theo Đại sứ Toganyan, các hệ thống phòng không của Armenia trong khu vực đến nay vẫn đủ sức để giải quyết những chiếc máy bay không người lái mà Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đang sử dụng.
Armenia cũng bày tỏ hy vọng tình hình sẽ không leo thang đến mức họ phải sử dụng đến các tên lửa tối tân Iskander.
Armenia sẵn sàng sử dụng các tên lửa đạn đạo Iskander đình đám của Nga ở khu vực Nagorno-Karabakh nếu Thổ Nhĩ Kỳ triển khai các chiến đấu cơ F-16 do Mỹ chế tạo để ủng hộ cho chiến dịch tấn công của Azerbaijan |
Hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander (còn được NATO gọi dưới cái tên SS-26 Stone) là hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn tối tân của Nga, sử dụng nhiên liệu rắn. Loại vũ khí này bắt đầu được đưa vào biên chế của quân đội Nga từ năm 2006. Tên lửa Iskander có khả năng tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả.
Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ thống tên lửa "vô đối", không thể đánh chặn.
Loại tên lửa đạn đạo ưu việt nói trên có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 – tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh) và tầm bắn lên tới gần 500km. Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.
Armenia đang có trong tay các tên lửa Iskander. Nước này cho biết họ để ngỏ khả năng triển khai tên lửa Iskander cũng như máy bay tấn công Su-25 nếu họ thấy cần thiết phải làm thể để đối phó với các hành động leo thang của Azerbaijan trong cuộc xung đột đang diễn ra giữa hai nước ở vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Armenia Artsrun Hovhannisyan cho biết tại cuộc họp báo ngày hôm qua rằng, Yerevan có thể sử dụng vũ khí hạng nặng nếu cần.
Đáp lại, Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov tuyên bố Baku “sẵn sàng đáp trả tương xứng” cho bất kỳ hành động leo thang nào từ phía Armenian.
Tổng thống Armenia Armen Sarkissian cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp cung cấp máy bay quân sự không người lái, lính đánh thuê và thậm chí là chiến đấu cơ F-16 cho địch thủ của họ. Azerbaijan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia vào bất kỳ cuộc đụng độ nào ở Nagorno-Karabakh. Ankara công khai ủng hộ chiến dịch tấn công mới nhất của Azerbaijan bất chấp rất nhiều lời kêu gọi các bên kiềm chế từ phía các đồng minh trong NATO.
Xung đột vũ trang bắt đầu bùng lên sáng 27/9 giữa lực lượng quân sự hai nước Armenian và Azerbaijan ở dọc đường biên giới tranh chấp ở khu vực Nagorno-Karabakh. Armenia cáo buộc Azerbaijan sử dụng máy bay chiến đấu và pháo hạng nặng để tấn công vào các mục tiêu ở Nagorno-Karabakh – một khu vực tranh chấp đang nằm dưới sự quản lý của Armenia và cũng đang có người dân Armenia sinh sống nhưng Azerbaijan đang đòi một phần đất ở khu vực này thuộc chủ quyền của họ. Về phía mình, Baku cho biết họ đã phản công để đáp trả “các hành động khiêu khích” của Armenia. Cả hai bên đều đã tăng viện đến khu vực biên giới và đổ lỗi cho nhau về việc tấn công dân thường. Armenia và Azerbaijan đã nhiều lần giao tranh với nhau kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Xung đột mới nhất giữa Armenia và Azerbaijan đã khiến nhiều nước lo ngại. Mỹ, Pháp và Liên minh Châu Âu (EU) đều đã lên tiếng kêu gọi ngừng ngay lập tức các hành động thù địch ở Nagorno-Karabakh. Nga – nước có mối quan hệ thân thiết với cả Armenia và Azerbaijan, đã đề nghị đứng ở vai trò trung gian để giúp tháo gỡ cuộc đối đầu hiện nay. Nga đã thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ - nước đang hậu thuẫn cho Baku.