- Ngoài việc xét nghiệm RT-PCR cho khoảng trên 70.000 người ở Đà Nẵng về từ 15/7 đến nay, Hà Nội sẽ lấy mẫu máu xét nghiệm Elisa (xét nghiệm máu) cho những người về từ 7-15/7 để biết trong cơ thể người đó có miễn dịch hay không (đã từng nhiễm và khỏi bệnh).
Như VnMedia đã đưa tin về việc Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế trong khi họp bàn với Hà Nội về phòng chống dịch COVID-19 (sáng 8/8) đã cho biết, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ Hà Nội toàn bộ từ sinh phẩm cũng như việc xét nghiệm cho tất cả những người về từ Đà Nẵng (khoảng 100.000 người).
Trong số đó, khoảng hơn 70.000 người về từ ngày 15/7 đến nay sẽ được xét nghiệm bằng RT-PCR và khoảng 22.000 người về từ 7-15/7 sẽ được xét nghiệm Elisa (không phải là test nhanh) để tìm xem trong cơ thể có miễn dịch hay không, nếu có sẽ phải điều tra dịch tễ của những người này.
Bộ cũng sẽ chịu trách nhiệm điều trị cho tất cả những bệnh nhân COVID-19 của Hà Nội.
Ngay sau cuộc làm việc của Bộ Y tế với Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp tục chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố để tiếp tục triển khai công tác chống dịch trên địa bàn.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chung nhận định tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam và Hà Nội đều diễn biến phức tạp. Hà Nội đã có 6 quận, huyện phát hiện ra ca dương tính, đều có nguồn gốc từ Đà Nẵng; các bệnh nhân đi lại nhiều địa bàn, tiếp xúc nhiều người.
Bên cạnh đó Hà Nội phải tính ca bệnh của Hải Dương như là bệnh nhân của Hà Nội do đây là trường hợp có lịch trình đi lại nhiều tại địa bàn; số F1, F2 chủ yếu ở Hà Nội.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội phân tích, người từ Đà Nẵng về Hà Nội nếu từ ngày 15/7 đến nay đã là 3 tuần. Vì vậy TP xác định rõ yếu tố thời gian để lấy mẫu xét nghiệm rất quan trọng, nếu không xét nghiệm thì có khả năng lây ra cộng đồng.
Trong công tác xét nghiệm, theo Chủ tịch UBND TP, việc lấy mẫu để xét nghiệm PCR hiện nay là quan trọng nhất để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch.
Ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị, khi phát hiện bệnh nhân ở đâu thì phải coi đó là ổ dịch nhỏ để tiêu trùng khử khuẩn; tổ chức xác minh F1, F2; tổ chức cách ly các trường hợp F1 và lấy mẫu xét nghiệm; F2 phải tổ chức cách ly tại nhà.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo tại cuộc họp |
Bênh cạnh đó, ông Chung cũng đặc biệt đề nghị các cơ quan truyền thông tiếp tục tuyên truyền để lấy mẫu xét nghiệm, đặc biệt là những người về từ Đà Nẵng từ 15/7 đến nay; tổ chức xác minh các trường hợp F1 tiếp xúc bệnh nhân của Hà Nội hoặc bệnh nhân của các địa phương khác. Tất cả các trường hợp F1 phải đi cách ly tập trung, trường hợp F2 cách ly giám sát tại nhà.
Nhắc lại yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung lấy mẫu xét nghiệm PCR cho người về từ Đà Nẵng từ ngày 15/7 cho đến nay, Chủ tịch UBND TP đề nghị các quận, huyện, thị xã cố gắng huy động các lực lượng, phối hợp với tổ chức lấy mẫu.
Đối với những người đi từ Đà Nẵng ra từ ngày 1-15/7, khuyến cáo lấy mẫu máu để xét nghiệm theo phương pháp đề nghị của Bộ Y tế tại buổi làm việc sáng nay.
Về các cơ sở cách ly tập trung, Chủ tịch UBND Hà Nội giao Sở Y tế và các đơn vị chuẩn bị đón 800 người từ Đà Nẵng và từ nước ngoài về. Sở Y tế thông báo các bệnh viện, các khoa có bệnh nhân nền, có nhiều người già phải thực hiện đúng quy trình xét nghiệm, đo thân nhiệt... theo đúng quy trình phòng, chống dịch của giai đoạn 2, nơi nào xảy ra vấn đề thì thủ trưởng phải chịu trách nhiệm.
Sở Y tế thành lập các đoàn kiểm tra kiểm tra các bệnh viện, tổ chức kiểm tra các cơ sở y tế tư nhân trong công tác phòng dịch. Liên quan đến thi tốt nghiệp THPT, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu tất cả trường hợp giáo viên là trường hợp F1, F2 đều không tham gia kỳ thi; với các trường hợp F1, F2 đều tổ chức thi sau hoặc đã xét nghiệm là âm tính thì bố trí thi phòng riêng.
Các hội đồng thi phải thực hiện đúng quy trình theo hướng dẫn, phát khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay... bố trí nhân lực y tế để phát hiện nghi ngờ thì phải xử lý theo quy định.
Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị thành lập đoàn cán bộ y tế ở Bệnh viện đa khoa Thăng Long, Mê Linh và sang bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 để học tập công tác phòng chống dịch, điều trị bệnh nhân Covid-19.
"Hiện Bộ Y tế đã thống nhất toàn bộ khâu xét nghiệm, chữa bệnh sẽ do Bộ đảm nhận, tuy nhiên các bệnh viện của Hà Nội đã được phân công nhiệm vụ phải chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để sẵn sàng cho các trường hợp khi cần đến.", Chủ tịch UBND TP nói rõ.