- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã được cấp phép vẫn được tiếp tục hoạt động đến thời điểm Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực và sẽ chấm dứt hoạt động đòi nợ từ ngày 1/1/2021.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Đại Thắng tại họp báo |
Sáng 10/7, Văn phòng Chủ tịch Nước đã tổ chức Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước công bố các Luật đã được thông qua tại Kỳ họp 9, Quốc hội khoá XIV.
Các luật được công bố, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Đầu tư; Luật Thanh niên; Luật Doanh nghiệp; Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định Tư pháp.
Giới thiệu về Luật Đầu tư (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Đại Thắng cho biết, Luật ra đời nằm khắc phục những bất cập, chồng chéo giữa các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, đảm báo tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, luật này đã sửa đổi, bổ sung 10 nhóm quy định trong luật cũ để đảm bảo tính thống nhất với các luật liên quan đến đất đai, thuế...
Liên quan đến ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, theo ông Thắng, luật lần này đã bổ sung "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Sửa đổi, bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy; hóa chất, khoáng vật độc hại và động, thực vật hoang dã cho phù hợp với tình hình thực tế.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc bổ sung loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh thì các doanh nghiệp đã đăng ký dịch vụ này sẽ hoạt động thế nào? Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã được cấp phép vẫn được tiếp tục hoạt động đến thời điểm Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực là 1/1/2021.
Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, hầu hết các doanh nghiệp này đều đăng ký nhiều hình thức kinh doanh nên sau 1/1/2021, chỉ dừng hoạt động kinh doanh đòi nợ còn các hình thức kinh doanh khác vẫn hoạt động. Do vậy, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường. "Sẽ chấm dứt hoạt động đòi nợ từ 1/1/2021" - Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định.
Cũng theo Thứ trường Vũ Đại Thắng cho biết, Luật Đầu tư (sửa đổi) tiếp tục cắt giảm một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện không cần thiết, bất hợp lý gây cản trở quá trình gia nhập thị trường của người dân, doanh nghiệp (gồm 22 ngành, nghề). Đồng thời, Luật cũng quy định Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách 'chọn bỏ'.
Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, Luật bổ sung quy định, nguyên tắc, điều kinej áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư để đảm bảo chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện chính sách, như: áp dụng ưu đãi có thời hạn, theo kết quả thực hiện dự án; nhà đầu tư phải đảm bảo đáp ứng điều kiện ưu đãi trong thời gian được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Bổ sung quy định cho phép Thủ tướng Chỉnh phủ áp dụng ưu đãi đặc biệt để tạo cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, kịp thời thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển nhanh trong bối cảnh hiện nay (cho phép áp dụng ưu đãi tối đa thêm 50% so với mức cao nhất theo quy định của Luật hiện hành).
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, Luật sửa đổi tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm chi phí không cần thiết trong hoạt động đầu tư kinh doanh như bãi bỏ quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có quy mô vốn từ 5000 tỷ đồng trở lên và không áp dụng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án của cá nhân, hộ gia đình.
Trước đó, vào chiều 17/6, Quốc hội chính thức thông qua dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) với gần 95% đại biểu biểu quyết. Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực là 1/1/2021.
Phương Mai