- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ quốc gia về dân cư sẽ mang lại nhiều lợi ích về đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân một cách đơn giản nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; giảm chi phí cho các cá nhân, tổ chức tham gia vào các giao dịch hành chính...
Ảnh minh họa |
Bước đột phá trong công tác quản lý dân cư
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý dân cư của các cơ quan nhà nước, ngày 8/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 896, phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (giai đoạn 2013 - 2020). Đề án là bước đột phá trong công tác quản lý dân cư ở nước ta, với mục tiêu tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa.
Đến ngày 20/11/2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Căn cước công dân, trong đó xác định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu chính đáng của công dân. Đề án được triển khai sẽ mang lại nhiều lợi ích về đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân một cách đơn giản nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; giảm chi phí cho các cá nhân, tổ chức tham gia vào các giao dịch hành chính, tiết kiệm về tài chính, nhân lực trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và vận hành hệ thống nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Theo đó, thông qua việc tổ chức thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để dùng chung nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng người dân phải sử dụng nhiều giấy tờcá nhân nhưng lại không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính.
Việc sử dụng số định danh cá nhân và tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Thông tin về dân cư được thu thập, cập nhật thường xuyên sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý chắc biến động dân cư, quản lý các loại đối tượng, hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Ngoài ra, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các ngành,lĩnh vực trên toàn quốc, làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư từ ngân sách nhà nước đối với hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đồng thời, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời cũng góp phần làm giảm khối lượng hồ sơ giấy tờ đang lưu trữ tại các cơ quan hành chính.
Thu thập thông tin dân cư cơ bản hoàn thành
Xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đang khẩn trương tổ chức thực hiện để sớm đưa hệ thống vào khai thác, sử dụng.
Bộ Công an cho biết, đến nay đã cơ bản hoàn thiện thủ tục pháp lý và tổ chức triển khai trước một số hạng mục công việc dự án như: Ban hành Chỉ thị số 05/CT-BCA ngày 5/9/2018 về việc đẩy mạnh tiến độ thu thập, cập nhật dữ liệu dân cư; tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc dự án; tổ chức tuyên truyền; tổ chức in và cấp hơn 91 triệu Phiếu thu thập thông tin dân cư cho Công an các địa phương.
Theo Bộ Công an, đến hết năm 2019, có 61/63 tỉnh, thành phố và 17/22 bộ, ngành đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 896 năm 2019; có 14/20 bộ ngành đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hoá thủ tục hành chính, có 12/17 nhiệm vụ thực hiện đúng tiến độ, đạt hiệu quả, còn 5 nhiệm vụ chưa hoàn thành.
Việc cấp số định danh cá nhân, mặc dù Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa hoàn thiện nhưng vẫn được thực hiện rất nghiêm túc, nỗ lực. Đến nay đã cấp được hơn 3 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em đăng ký khai sinh tại 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cấp được gần 15 triệu số định danh cho công dân thông qua cấp thẻ Căn cước công dân.
Việc thu thập thông tin dân cư cơ bản hoàn thành tại các địa phương, công tác quét phiếu thu thập thông tin tính đến tháng 12/2019 đã được 59 tỉnh, thành phố trên cả nước với gần 80 triệu phiếu thu thập thông tin dân cư. Trong đó, một số địa phương có tỷ lệ quét phiếu đạt 100% như Bắc Ninh, Cần Thơ, Phú Yên, Bình Dương, Quảng Ninh, Nghệ An, Vĩnh Phúc...