- Một kỹ thuật can thiệp sản nhi mới nhất - truyền ối vào buồng tử cung để tiếp tục duy trì thai kỳ cho những bà mẹ bị cạn ối đã giúp nhiều em bé chào đời khỏe mạnh. Đây thực sự làm một "phép màu" đối với những cặp mẹ - con không may mắn...
BSCK1 Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, có tới 4-5% sản phụ có nguy cơ rơi vào tình trạng thiểu ối.
Trước đây, những ca này, các sản phụ được tư vấn nên uống nước, nghỉ ngơi nhiều hoặc truyền dịch vào tĩnh mạch của mẹ. Nhưng biện pháp này hiệu quả thấp và chỉ kéo dài vài ngày. Vì thế, đa số các bác sĩ khuyên chủ động đình chỉ thai nghén trước khi đứa bé chết lưu trong cơ thể người mẹ.
Điều này khiến nhiều gia đình chấp nhận mất con trong tuyệt vọng, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của sản phụ và người thân trong gia đình.
Tuy nhiên, kỹ thuật truyền ối như một phép màu, đã cứu nhiều sinh linh bé nhỏ, giúp các bé giữ được cái “duyên” đến với cha mẹ mình.
Trường hợp sản phụ Trần Nguyễn Thúy Hằng (tên đã được thay đổi) là một ví dụ. Khi chị Hằng mang thai được 24 tuần thì phát hiện thiếu ối trầm trọng, thai nhi đã bị tử cung bó chặt, nguy cơ thai lưu là rất cao. Gia đình buộc phải quyết định lựa chọn: một là vào viện đình chỉ thai nghén, hai là chờ thai lưu thì vào viện lấy thai ra.
Tuyệt vọng, chị Hằng tìm đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với mong muốn cứu được con mình bằng mọi cách. May mắn, chị được PGS, TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và BSCKI Nguyễn Thị Sim giúp chị giữ lại con bằng một kỹ thuật hoàn toàn mới tại Việt Nam – kỹ thuật truyền ối ngược vào trong tử cung.
Tại phòng can thiệp bào thai vô trùng hiện đại tiêu chuẩn châu Âu, BS Ánh và BS Sim đã tìm được một “khe ối” rất nhỏ để xuyên kim vào buồng ối và truyền dịch vô trùng vào buồng ối, tạo môi trường bồng bềnh cho em bé tiếp tục phát triển an toàn.
Hai ngày sau, sau khi được đánh giá toàn trạng mẹ và tình trạng thai đều tốt, sản phụ Hằng được cho về nhà tiếp tục chăm sóc thai sản. May mắn, chị Hằng đã duy trì được nước ối bình thường, giữ thai được thêm hai tháng thì em bé chào đời.
Hiện tại, bé trai của sản phụ T.T.H đã ba tháng tuổi và phát triển khỏe mạnh, không có dị dạng chân tay, không khó khăn về hô hấp và cũng không có bất thường phổi.
PGS, TS Nguyễn Duy Ánh và BSCKI Nguyễn Thị Sim và ê kíp đang thực hiện kỹ thuật truyền ối cho sản ph |
Thiểu ối nặng đã cướp đi sinh linh của bao nhiêu bào thai bé bỏng khi chưa kịp chào đời. Thiểu ối làm thiểu sản phổi thai nhi thai chậm phát triển, ngôi thai bất thường hoặc bị biến dạng mặt, chân tay. Ngoài nguyên nhân thiểu ối cho bệnh lý của mẹ, do bất thường thận thai nhi giảm sản xuất nước ối thì có tới 30% các ca thiểu ối không rõ nguyên nhân.
PGS, TS Nguyễn Duy Ánh và BSCKI Nguyễn Thị Sim đã nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật truyền dịch ối nhằm kéo dài thời gian mang thai, giúp tránh được những dị tật cho thai nhi không mong muốn do thiểu ối gây ra.
Ngoài ra, Bệnh viện phụ sản Hà Nội còn thực hiện nhiều cải tiến kỹ thuật trong truyền ối nhằm nâng cao hiệu quả điều trị thiểu ối cho bệnh nhân.
Trong quá trình can thiệp, dưới hướng dẫn của siêu âm, các bác sĩ xuyên kim “siêu nhỏ” vào buồng tử cung, truyền dịch vô khuẩn vào buồng ối. Khi lượng nước ối trở về bình thường, các bác sĩ dừng thủ thuật, đồng thời lấy 10 ml mẫu ối làm xét nghiệm di truyền cho thai.
Sau truyền ối, sản phụ được đánh giá tình trạng nhiễm trùng, toàn trạng mẹ và thai trong hai ngày nếu ổn định thì cho ra viện.
Sản phụ được tư vấn chế độ sinh hoạt, lao động, chế độ ăn uống và giải thích kết quả xét nghiệm ối - em bé có bản đồ nhiễm sắc thể đầy đủ 23 cặp. Khi bộ nhiễm sắc thể của em bé bình thường, các bố mẹ càng yên tâm giữ thai.
Trong trường hợp bất thường, thiểu ối do di truyền, các bác sĩ sẽ có định hướng quyết định sớm cho sản phụ. Nếu 1-2 tháng sau, sản phụ tiếp tục thiếu ối, có thể sẽ được chỉ định truyền lại.
Thủ thuật này được thực hiện trong một phòng can thiệp vô trùng tuyệt đối, với bác sĩ tay nghề chuyên môn cao, phải có rất nhiều kinh nghiệm can thiệp bào thai. Hiện tại kíp thực hiện chính kỹ thuật này ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là PGS, TS Nguyễn Duy Ánh và BSCKI Nguyễn Thị Sim.
Theo BS Sim, kỹ thuật này được chỉ định cho những sản phụ thiểu ối còn nguyên màng ối và tuổi thai từ 16-32 tuần. Các bác sĩ cũng chống chỉ định can thiệp kỹ thuật này cho các thai phụ dưới 16 tuần, tử cung ngắn có dấu hiệu dọa đẻ non, rỉ ối, vỡ ối, thai dị dạng, nhiễm trùng cấp.
Từ cuối năm 2009 đến nay, đã có hơn 10 cặp mẹ - con được áp dụng thành công kỹ thuật đặc biệt này, trong đó có 3 ca vô sinh lâu năm, đã phải làm IVF nhiều lần mới có được con.