- Theo dự kiến ban đầu, một số trường ĐH thuộc tốp đầu, có mức cạnh tranh cao sẽ có phương thức tuyển sinh riêng, bao gồm cả thi đầu vào. Tuy nhiên, hiện ĐH Quốc gia, trường ĐH Ngoại thương… đã hủy bỏ kế hoạch thi.
![]() |
Ảnh minh họa |
ĐH Quốc gia Hà Nội hôm 4/5 đã quyết định không triển khai kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh riêng của ĐH Quốc gia Hà Nội mà sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển.
Như vậy, phương án tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội năm nay về cơ bản không thay đổi, ổn định như năm 2019, cụ thể: Mở rộng các đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD &ĐT và Quy định, hướng dẫn của ĐH Quốc gia Hà Nội; Xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT năm 2020; Xét tuyển các thí sinh sử dụng các chứng chỉ quốc tế SAT, A-Level, IELTS và các tiêu chí phụ khác (các đơn vị đào tạo sẽ quy định cụ thể theo yêu cầu của các chương trình đào tạo).
Còn theo thông báo của ĐH Ngoại thương, căn cứ trên phương án thi THPT năm 2020 điều chỉnh do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, đồng thời nhằm giảm áp lực cho thí sinh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Trường ĐH Ngoại thương quyết định dừng việc tổ chức kỳ thi phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội phục vụ việc xét tuyển đại học chính qui năm 2020.
Trường ĐH Ngoại thương sẽ chuyển chỉ tiêu tuyển sinh của Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi riêng sang Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi THPT và Phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và điểm thi THPT 2 môn thuộc tổ hợp xét tuyển của trường không phải là ngoại ngữ như phương án của năm 2019.
Như vậy năm 2020 Trường ĐH Ngoại thương sẽ thực hiện xét tuyển theo 5 phương thức: (i) phương thức xét tuyển dành cho thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải cấp tỉnh/thành phố và hệ chuyên; (ii) phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập THPT dành cho hệ chuyên và hệ không chuyên; (iii) phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPT; (iv) phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT; (v) phương thức xét tuyển thẳng.
Trong đó, phương thức xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi THPT sẽ dựa trên các tổ hợp và cách tính điểm xét tuyển tương tự như năm 2019. Các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có thể dùng để xét tuyển kết hợp với kết quả thi THPT, nếu tổng điểm 02 (hai) bài/môn thi THPT năm 2020 (không bao gồm điểm ưu tiên xét tuyển) trong tổ hợp môn xét tuyển của trường trong đó có môn Toán và một môn khác không phải là Ngoại ngữ (bao gồm một trong các môn Vật lý, Hóa học và Ngữ Văn) đạt từ điểm sàn xét tuyển của Nhà trường (dự kiến công bố điểm sàn xét tuyển ngay sau khi có kết quả thi THPT năm 2020)
Trong khi đó, ngày 4/5/2020, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã chính thức chốt phương án thi bổ sung dưới hình thức một bài kiểm tra tư duy theo yêu cầu đặc thù của khối ngành kỹ thuật.
Nội dung bài thi được thiết kế gọn gồm 2 phần Toán và Đọc hiểu với thời gian làm bài 120 phút. Thời gian thi được ấn định vào ngày 15/8, ngay sau kỳ thi THPT thay vì 25/7 như dự kiến ban đầu. Thí sinh được đăng ký dự thi tại một trong ba địa điểm: Hà Nội, Thanh Hóa hoặc Sơn La.
Điểm bài thi được sử dụng kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT (Toán-Lý hoặc Toán-Hóa) để xét tuyển. Phương thức xét tuyển kết hợp này chỉ áp dụng cho khối ngành kỹ thuật và kinh tế (không áp dụng cho ngành Ngôn ngữ Anh) và dự kiến lấy từ 30% đến 35% chỉ tiêu tuyển sinh của Trường.
Bên cạnh đó, Trường dành từ 10% đến 15% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tài năng.
Năm nay, Trường tiếp tục thực hiện phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT theo các tổ hợp truyền thống (A00, A01...) với tỉ lệ 50% đến 60% trên tổng chỉ tiêu tuyển sinh.
Như vậy, năm nay nhiều thí sinh sẽ có thêm 2 cơ hội lựa chọn để trở thành sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội: Phương thức xét tuyển tài năng và phương thức xét tuyển kết hợp điểm bài kiểm tra tư duy với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT.
Thẩm quyền của các trường ĐH
Nói về những thay đổi phương thức tuyển sinh của các trường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, cho rằng, đây là việc điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Ông Độ giải thích: Thực hiện Luật Giáo dục đại học 2012 và vừa qua là Luật 34 sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ năm 2018, các trường đại học tự chủ được tự xây dựng và quyết định phương án tuyển sinh của mình và có thể sử dụng các phương án như kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc là thi THPT quốc gia trước đây.
Theo báo cáo, năm 2017, có 81,5% số sinh viên được tuyển vào thông qua kết quả kỳ thi THPT quốc gia, năm 2018 là 73,6% và năm 2019 là 62,2%. Năm nay có thể một số trường vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để làm căn cứ tuyển sinh vào trường mình.
Tương tự như vậy, một số trường cũng sử dụng kết quả học tập của học sinh ở học bạ THPT và một số trường thì thông qua kỳ thi chuẩn hóa quốc tế hoặc qua chứng chỉ quốc tế. Có trường tổ chức thi năng khiếu, thi văn hóa, phỏng vấn hoặc có trường tổ chức thi năng lực, thi riêng.
“Như vậy là việc tổ chức tuyển sinh do các trường đại học quyết định và tự lựa chọn phương án của mình”- Thứ trưởng khẳng định.
“Vừa qua, tại ĐH Quốc gia Hà Nội qua thông tin đại chúng, chúng tôi được biết đã thay đổi phương án tổ chức thi thành sử dụng kết quả thi THPT năm 2020. Làm như vậy cũng là một cách phù hợp bởi vì kỳ thi THPT cũng là một kỳ thi đảm bảo đánh giá kết quả học tập 12 năm của học sinh và làm căn cứ để xét tốt nghiệp cho các em” – ông Độ nói.
Thứ hai, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, thi tốt nghiệp THPT cũng là căn cứ đánh giá chất lượng dạy và học của các địa phương và qua đó cũng điều chỉnh sự chỉ đạo, công tác quản lý của các địa phương cho phù hợp.
Đặc biệt, ông Nguyễn Hữu Độ khẳng định, đề thi năm nay theo tinh thần chương trình giáo dục phổ thông đã tinh giản nên cũng sẽ giảm độ khó nhưng vẫn có sự phân hóa phù hợp để có thể phân loại được học sinh và từ đó, các trường ĐH có thể dựa vào kết quả này để tổ chức tuyển sinh.
“Việc điều chỉnh là một trong những thẩm quyển tự chủ của các trường đại học” – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT tiếp tục khẳng định.
Theo kế hoạch, thay vì Bộ GD&DT phải điều động gần 50 nghìn cán bộ về coi thi, chấm thi, giám sát, thanh tra chấm thi như những năm vừa qua thì năm nay, Bộ chỉ điều một số lượng nhỏ về giám sát, thanh tra thi. Đề thi vẫn do Bộ GD&ĐT ra và vẫn có sự phân hóa để các trường ĐH, CĐ tuyển đầu vào.
Về những lo ngại đối với chất lượng đầu vào nếu dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT do các địa phương tự tổ chức (Cán bộ tham gia công tác tổ chức thi là cán bộ, giáo viên của địa phương), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, mặc dù kỳ thi được giao về cho địa phương tổ chức, song Bộ GD&ĐT vẫn phải chỉ đạo sát sao, giám sát chặt chẽ để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, trung thực, bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan, tin cậy.