- Nhấn mạnh không thể chủ quan vì dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài dù có thời điểm lắng xuống, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu ra 3 giải pháp quan trọng là “Kiểm soát dịch bệnh - Chung sống an toàn - Điều chỉnh tích cực.”
Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 với 63 địa phương, chiều 17/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, dù sẽ có từng nơi, từng thời điểm lắng xuống, nhưng chỉ tới khi nào có thuốc đặc trị hoặc có vắc xin thì mới có thể coi là cơ bản hết dịch được.
“Điểm này rất quan trọng vì chúng ta không thể đóng kín cửa một mình, dù hạn chế nhưng vẫn phải có giao lưu để đảm bảo “mục tiêu kép”. Thời gian đó chắc chắn không tính bằng tuần mà phải tính ít nhất bằng tháng" - Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, cần phải tiếp tục chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, không để dịch lan rộng nhưng đồng thời cũng phải ổn định và phát triển. Trong mục tiêu kép đó, vẫn phải quán triệt mục tiêu tuyệt đối là phải kiểm soát được dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan, để chết nhiều người.
“Một nước đang phát triển như Việt Nam mà nhiều người lây nhiễm như các nước phương Tây thì chắc chắn tỷ lệ tử vong sẽ cao hơn" - Phó Thủ tướng cảnh báo.
Phân tích về nhận định trên, Phó Thủ tướng cho biết, trong công tác điều trị, hiện nay Việt Nam chúng ta cứu sống được các bệnh nhân nặng vì cả nước dồn trí, dồn sức vào cứu chữa.
“Còn nếu nhìn ra bên ngoài, rất nhiều nước có nền y tế phát triển hơn ta nhiều, giàu có hơn ta nhiều nhưng đã có tới hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người nhiễm bệnh, hàng ngàn, hàng chục ngàn người tử vong thì không chỉ thiệt hại về tính mạng con người, về xã hội mà thiệt hại kinh tế cũng lớn hơn rất nhiều. Do vậy, chúng ta phải quán triệt mục tiêu kép nhưng vẫn phải ưu tiên hơn cho kiểm soát dịch bệnh. Phải kiểm soát được dịch bệnh, tiến tới chung sống an toàn, thúc đẩy sự điều chỉnh tích cực của xã hội”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, việc kiểm soát cần đặt trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài và hoàn toàn có thể sẽ có những ca bệnh mới. Vấn đề là kiểm soát được ngay, không để lây lan rộng thành những ổ dịch lớn, vượt khả năng kiểm soát, điều trị.
Theo đó, đầu tiên tiếp tục kiểm soát chặt chẽ xuất nhập cảnh cả đường hàng không, đường thủy, đường bộ. “Kiểm soát chặt chẽ không đơn giản là đóng hết. Phải tiếp tục tiếp nhận người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ và thực hiện các dự án lớn, hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh…; phải tiếp nhận những người Việt Nam có nguyện vọng chính đáng từ nước ngoài về. Tinh thần là phải kiểm soát chặt chẽ để chủ động điều phối vấn đề xuất nhập cảnh, đảm bảo an toàn" - Phó Thủ tướng nói.
Điều quan trọng sau ngăn chặn, đó là khi phát hiện ra người nhiễm bệnh là lập tức tiến hành điều tra dịch tễ, xác định cách ly và khoanh vùng gọn lại ngay. Đây là năng lực rất quan trọng với các địa phương nhất là những địa phương chưa có người nhiễm bệnh.
Theo Phó Thủ tướng, ngoài việc phân các tỉnh, thành ra làm 3 nhóm: Nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp thì sẽ phải tiếp tục chia được nhóm đến cấp huyện, cấp xã, thậm chí đến cấp thôn… để điều hành sát sao hơn, linh hoạt hơn, kịp thời hơn và trên hết là hiệu quả hơn trong thực hiện mục tiêu kép.
“Vì dịch còn dài nên chúng ta phải xác định chung sống nhưng nhất thiết phải an toàn, tuyệt đối không được chủ quan. Có an toàn mới phát triển được" - là điều được Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh trong cuộc họp.
Theo đó, việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách, rửa tay, không tập trung đông người… là những giải pháp hết sức quan trọng, vì cơ chế lây lan của virus là chủ yếu qua đường giọt bắn từ nước bọt hoặc trực tiếp vào mũi, miệng, mắt người tiếp xúc gần; hoặc nước bọt dính trên bề mặt rồi dính vào tay, từ tay lên miệng, mũi, mắt…
![]() |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra 6 điểm quan trọng trong vấn đề đảm bảo an toàn để chung sống với dịch Covid-19.
Trước hết là cần ăn ở hợp vệ sinh mùa dịch; Chỉ tới cơ sở y tế khám bệnh khi thực sự cần thiết, sau khi đã liên hệ với bác sĩ hoặc cơ sở y tế; Các cơ sở y tế phải quán triệt tinh thần coi người đến khám là người có nguy cơ lây nhiễm (F1) để có giải pháp đảm bảo an toàn cho cả người khám và người tới khám.
Thứ hai là đảm bảo cho học sinh đi học trở lại an toàn.
Thứ ba là đi lại phải an toàn, hạn chế ra ngoài, hạn chế đi lại khi không thật sự cần thiết; Cần có quy định thật cụ thể khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng từ máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, xe khách tới taxi, xe ôm.
Thứ tư là sản xuất, kinh doanh an toàn.
Thứ năm là các hoạt động của các cơ quan công quyền an toàn.
Thứ sáu là sinh hoạt vui chơi, văn hóa, thể thao, du lịch. Trước mắt chưa cho phép tập trung đông người. Đối với các hoạt động bắt buộc phải làm như hiếu, hỉ cần tuân thủ quy định về số người tham gia cùng các biện pháp đảm bảo an toàn. Các cơ sở lưu trú không chỉ phải đáp ứng các yêu cầu về y tế thuần túy mà cả các yêu cầu về khai báo lưu trú… đáp ứng yêu cầu chống dịch.
“Tinh thần chung là chúng ta phải chung sống an toàn trên từng lĩnh vực, từng ngõ ngách, từng cấp độ nhưng tuyệt đối không chủ quan” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để kiểm soát được dịch bệnh, để chung sống an toàn, Phó Thủ tướng cho rằng đã và đang có những điều chỉnh, thay đổi ở các cấp độ, lĩnh vực đời sống xã hội, như áp dụng cách mạng 4.0 trong hội họp trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến, học trực tuyến đến tư vấn khám bệnh trực tuyến, thanh toán điện tử...; Hay trong cuộc sống, trong sinh hoạt có rất nhiều lề thói, phong tục không còn phù hợp như không xếp hàng, ồn ã nơi công cộng hay các lễ hội còn xô bồ, vừa thiếu văn minh và cũng không đúng với lễ tiết tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống…
“Thậm chí, không ít thói quen có tính gia đình, cá nhân cũng nên được thay đổi như bắt tay nhau khi đang ăn uống, dùng chung bát, đĩa… không phù hợp với nếp sống văn minh, hiện đại” – Phó Thủ tướng nêu.
“Chính trong lúc dịch bệnh này, chúng ta cần bình tĩnh nhìn lại để thúc đẩy những điều chỉnh tích cực ở mọi tầng nấc, quy mô, từ trong cơ quan công quyền, nhà nước ra doanh nghiệp, cộng đồng; từ quy mô toàn xã hội, tập thể, gia đình và tới từng cá nhân" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.