- Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, bây giờ không phải lúc nghỉ ngơi mà là thời gian vàng để chuẩn bị sẵn sàng kiểm soát dịch Covid -19, phục hồi kinh tế. “Nhanh, dứt khoát, không lừng khừng” là yêu cầu của người đứng đầu TP Hà Nội trong Hội nghị Giao ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 thành phố ngày 6/4.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, con số tăng trưởng 3,72%, thu ngân sách đạt 25,9%... là có nguyên nhân từ dư địa từ tăng trưởng của năm 2019.
Ở Hà Nội, hiện nay trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19, ngành du lịch, dịch vụ, vận tải sụt giảm nghiêm trọng; các hoạt động vui chơi giải trí dừng hoạt động đã 60 ngày; chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa xuất khẩu đứt đoạn.
"Rất có thể sẽ có cuộc đại khủng hoảng kinh tế kép, tác động đến y tế, kinh tế và con người. Thời gian tới, chúng ta sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn, chưa có điểm dừng", Chủ tịch UBND TP cảnh báo.
Lấy ví dụ về việc suy giảm việc làm sẽ dẫn đến các vấn đề về xã hội, an ninh trật tự, ông Chung nhấn mạnh: "Chúng ta phải đánh giá tình hình diễn biến trong thời gian tới để có những giải pháp, biện pháp hạn chế mức thấp nhất, những tác động, hậu quả trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của thành phố cũng như của từng đơn vị".
"Để phòng lây lan dịch bệnh Covid -19, chúng ta đang hạn chế đi lại người dân thì chúng ta cần tiếp tục cải cách hành chính để giảm chi phí, phiền hà cho người dân, cho doanh nghiệp và giảm chính các thủ tục ngay trong nội bộ của chúng ta; tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến..", Chủ tịch UBND TP nêu vấn đề.
Người đứng đầu thành phố Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh: “Các đồng chí phải thực hiện đúng tinh thần: Nhanh, dứt khoát, đúng quy trình; giải quyết thủ tục phải tránh tình trạng lừng khừng, tránh tư tưởng đùn đẩy trách nhiệm mà phải làm sao mà đẩy nhanh các quy trình, trình tự thủ tục cho người dân, cho doanh nghiệp".
![]() |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung |
Ông Chung cũng nhấn mạnh, "Đây không phải thời gian nghỉ ngơi mà chúng ta phải tích cực làm việc, suy nghĩ - là quãng thời gian để chuẩn bị, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh cũng như có giải pháp, biện pháp để phục hồi kinh tế sau dịch…
Về các nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị vừa triển khai công tác phòng chống dịch vừa chăm lo tổ chức sản xuất vụ đông - xuân để kéo tăng trưởng nông nghiệp; tăng cường tái đàn lợn, gia cầm, gia súc; khắc phục tình trạng người dân bỏ ruộng... nếu không sẽ khó đạt mức tăng trưởng .
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và của Thường trực Thành uỷ là phải giảm từ 5 % trở lên kinh phí chi thường xuyên, Chủ tịch UBND TP nêu rõ: "Tất cả những khoản liên quan đến chi cho các hoạt động văn hóa xã hội; kinh phí cho các chương trình; chi cho xúc tiến đầu tư, du lịch; các hoạt động luyện tập thể thao ở nước ngoài; hoạt động hội họp không thiết yếu; kinh phí đi công tác nước ngoài đến hết quý 2 sẽ cắt hết, không chần chừ. Quý III, quý IV cũng cần xem xét giảm chi thường xuyên từ 5-10%".
Trước tình hình thâm hụt thu ngân sách đã thấy rõ, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các quận, huyện và ban quản lý các dự án đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Theo đó, các dự án đang triển khai sắp xong thì phải bố trí kinh phí làm nốt. Những dự án chưa triển khai thì phải rà soát ngay và quyết định làm hay không làm; không đảm bảo đủ ngân sách thì cắt ngay lập tức; Không đề xuất dự án mới.
"Chúng ta phải tận dụng chi thường xuyên để để chăm lo đối tượng chính sách, chăm lo người nghèo, đảm bảo chi trả lương, đảm bảo an sinh xã hội" - Chủ tịch UBND TP chỉ đạo.
Ông Chung đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai nốt 273 dịch vụ công trực tuyến phục vụ nhân dân, đồng thời cho biết TP đã mời các chuyên gia nâng cấp hệ thống phần mềm dịch vụ công trực tuyến, giáo dục của thành phố với nhiều tính năng, tiện ích mới thiết thực phục vụ nhân dân. Thành phố sẽ đăng ký bản quyền trong tuần này và ứng dụng ngay vào tuần sau.
Sở nội vụ và Thanh tra Thành phố tiếp tục thực hiện thanh tra công vụ thường xuyên và đột xuất việc thực hiện chấp hành 2 bộ quy tắc ứng xử của các cơ quan, đặc biệt là liên quan đến công tác ứng trực phục vụ nhân dân và doanh nghiệp; phải xử lý nghiêm tất cả những trường hợp không thực hiện hay kéo dài thời gian, làm khó doanh nghiệp.
Bên cạnh việc kết nối đảm bảo hàng hóa, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Công Thương tạo mọi điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp sản xuất các thiết bị y tế, khẩu trang trên địa bàn hoạt động hết công suất; nếu vượt nhu cầu thì có thể xem xét kiến nghị Chính phủ cho xuất khẩu...
Xem xét kéo dài thời gian cách ly hơn 14 ngày
Từ trường hợp bệnh nhân ở huyện Mê Linh đến khám ở Bệnh viện Bạch Mai và 23 ngày sau xét nghiệm mới dương tính với Covid -19, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng cần kéo dài thời gian cách ly chứ không dừng lại ở 14 ngày…
Liên quan đến việc kiểm soát phòng chống lây lan Covid -19, Chủ tịch UBND TP khẳng định biện pháp Thủ tướng Chính phủ đề hiện nay là giãn cách xã hội, cách ly tại nhà là tối ưu.
"Nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn TP rất cao, nhưng Hà Nội đang triển khai phòng chống dịch hiệu quả, tuy nhiên theo Chủ tịch UBND TP: “Nếu không chuẩn bị tốt thì trong thời gian tới nếu dịch bệnh bùng phát lên thì chúng ta rất dễ thất bại”
Từ bài học của các nước trên thế giới, Chủ tịch UBND TP nêu rõ, hiện nay phải triển khai ngay các giải pháp để giảm gánh nặng cho ngành y tế để có thời gian chuẩn bị tốt để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, chuẩn bị hàng hóa, trang thiết bị vật tư thiết yếu.
“Nếu không chuẩn bị tốt, không quản lý được, sẽ dẫn đến tăng giá trang thiết bị y tế dẫn đến áp lực cho bảo hiểm y tế và cho người dân, ảnh hưởng đến những người yếu thế trong xã hội không có thu nhập sẽ dễ rơi vào vòng xoáy liên tục bị tác động, không thể thoát ra” - ông Chung cảnh báo.
Nhấn mạnh việc thay đổi nhận thức để có cách ứng phó phù hợp với dịch bệnh Covid -19 trong thời gian quan trọng này, Chủ tịch UBND TP chỉ rõ 2 bài học.
Thứ nhất về việc cách ly, Chủ tịch UBND TP cho biết hiện virus corona trên thế giới đã có nhiều biến thể, có thể sống được trong các môi trường nóng và lạnh; có 40-60% bệnh nhân ở các nước nhiễm bệnh không có biểu hiện của bệnh nhưng vẫn lây nhiễm; tất cả các lứa tuổi đều lây nhiễm, các bệnh nhân có bệnh nền có lây nhiễm cao hơn; thời gian ủ bệnh lâu hơn…
Vì vậy các trường hợp đã cách ly 14 ngày ở nơi cách ly tập trung thì phải tiếp tục yêu cầu có quyết định 14 ngày nữa cách ly tại nhà. Yêu cầu họ phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên…
Đặc biệt lưu ý ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai vẫn tiềm tàng nguy cơ lớn, cần rà soát, cách ly ngay tất cả các trường hợp liên quan, Chủ tịch UBND TP dẫn chứng và phân tích: “Hiện nay Hà Nội có hơn 20.000 người có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai từ này 10 đến 25/3. Từ trường hợp bệnh nhân dương tính với Covid -19 mới đây ở huyện Mê Linh có đến khám ở Bạch Mai và 23 ngày sau mới phát bệnh, có lẽ phải xem xét kéo dài thời gian cách ly chứ không dừng lại ở 14 ngày. Trước mắt phải yêu cầu những người này ở thêm 14 ngày nữa”.
Thứ hai, Chủ tịch UBND TP cho rằng, bài học về công tác xét nghiệm cũng rất quan trọng. Tất cả trường hợp F1 sau khi xét nghiệm 1-2 ngày phải tiến hành cách ly và sau đó 7-8 ngày phải xét nghiệm lại. Thời gian tới số lượng test nhận đủ sẽ tiến hành rộng hơn.
“Tất cả trường hợp như Viện huyết học có tiếp xúc với bệnh nhân người Thụy điển ngày 31/3 và 1/4; lấy mẫu xét nghiệm ngày 3/4 thì tôi nghĩ chưa có giá trị gì, cần cách ly nghiêm túc. Sau đó 5-7 ngày thì lấy mẫu xét nghiệm lại, chứ hiện xét nghiệm âm tính chưa phải mừng đâu”, Chủ tịch UBND TP tiếp tục cảnh báo.
“Trong lúc này chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ khẩn trương, quyết đoán; dựa trên cơ sở căn cứ khoa học để chúng ta quyết định; thực thi đúng các quy chế, chế tài của pháp luật không được chần chừ mất đi cơ hội”, Chủ tịch UBND TP nói.