- Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã mất 33 binh sĩ trên chiến trường Syria - một tổn thất nặng nề đối với Ankara. Tức giận trước diễn biến này, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không còn giúp phương Tây ngăn chặn làn sống nhập cư vào Châu Âu. Đây là viễn cảnh ác mộng đối với phương Tây.
33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng ở Idlib
Ít nhất 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng trong một cuộc không kích vào tỉnh Idlib của Syria. Ngoài ra, một số lượng binh sĩ không xác định cũng đã bị thương, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đồng thời cáo buộc cuộc không kích này do quân đội Syria gây ra. Đây là diễn biến khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa quân đội Syria với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
“Ở Idlib, Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành mục tiêu của quân chính phủ trong một cuộc không kích”, người đứng đầu tỉnh Hatay - ông Rahmi Dogan chiều tối qua (27/2) cho biết. Ông này đầu tiên đưa ra con số binh sĩ thiệt mạng là 9 nhưng sau đó đã sửa lại lên con số 33, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời ông Dogan cho biết.
Thêm nhiều binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị thương nhưng con số chính xác chưa được xác định. Tuyên bố của ông Dogan được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan triệu tập một cuộc họp an ninh khẩn cấp đề bàn về tình hình mới nhất trên chiến trường Idlib.
Những nguồn tin không xác định lan truyền trên mạng xã hội ngày hôm qua đưa tin hàng chục binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng trong cuộc không kích của “Nga” và hàng chục binh sĩ khác bị thương. Các bệnh viện ở Hatay đã phải chật vật để xử lý nhiều người bị thương cùng lúc. Tuy nhiên, Nga đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.
Phát biểu với hãng tin Anadolu, ông Dogan nhấn mạnh không có tình trạng thiếu máu ở các bệnh viện và rằng các bệnh viên đều đã “áp dụng các biện pháp can thiệp cần thiết” để điều trị cho những người bị thương.
Thư ký báo chí của Tổng thống Erdogan - ông Fahrettin Altun cho các phóng viên biết, trong những giờ đầu sáng nay (28/2), Thổ Nhĩ Kỳ “đã đáp trả chính quyền không hợp pháp - lực lượng chĩa súng vào các binh sĩ của chúng tôi” bằng các cuộc không kích và nã pháo nhằm vào các mục tiêu của Syria. Ông Altun thậm chí miêu tả các sự kiện ở Idlib là một vụ thảm sát, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép tái diễn chuyện như này.
Thổ Nhĩ Kỳ khiến phương Tây lo ngại
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tiếp tục ngăn chặn làn sóng người tị nạn từ Syria tìm cách đến Châu Âu, một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố.
Trong bối cảnh chiến sự ở Idlib bùng phát dữ dội, hàng trăm ngàn người dân Syria đã tìm cách chạy về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để lánh nạn.
Lực lượng cảnh sát, bảo vệ bờ biển và biên phòng đã được lệnh từ bỏ việc ngăn dòng người tị nạn đi qua biên giới biển và đất liền của Thổ Nhĩ Kỳ để vào châu Âu, vị quan chức của Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.
"Chúng tôi đã ra quyết định và có hiệu lực ngay lập tức là không ngăn dòng người tị nạn Syria đến Châu Âu thông qua đường biển và đất liền. Tất cả những người tị nạn, bao gồm người Syria hiện tại được hoan nghênh đi vào Liên minh Châu Âu”, vị quan chức giấu tên của Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.
Kể từ năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn dòng người tị nạn ồ ạt xuyên qua nước này để đi vào Châu Âu. Đây là một phần của thỏa thuận mà Ankara ký với Liên minh châu Âu (EU). Đổi lại EU cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ nguồn kinh phí để hỗ trợ người tị nạn cũng như cấp quy chễ miễn visa vào châu Âu cho các công dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, chính phủ của Tổng thống Erdogan đang phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc trả người tị nạn về Syria hoặc cho họ tái định cư ở bên ngoài. Tổng thống Erdgan nhiều lần phàn nàn về việc EU không thực hiện lời cam kết của liên minh này với Ankara.
Trong khi đó, châu Âu từ năm 2015 đã áp dụng lập trường rất cứng rắn đối với vấn đề người tị nạn. Cụ thể, chính phủ Italia từ chối đón nhận những chiếc tàu chở người tị nạn đến nước họ. Châu Âu từng khốn đốn vì cuộc cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015. Chính vì thế, họ không muốn một cuộc khủng hoảng tương tự tái diễn một lần nữa.
Thổ Nhĩ Kỳ bất mãn với phương Tây sau khi họ phát động chiến dịch tấn công vào chiến trường Syria để đánh đuổi người Kurd ra khỏi khu vực biên giới nhưng chiến dịch này lại bị phương Tây chỉ trích. Ankara cho rằng, trong khi họ giúp phương Tây ngăn chặn làn sóng những người tị nạn thì phương Tây lại không giúp Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề an ninh. Đó là lý do Thổ Nhĩ Kỳ tức giận tuyên bố từ bỏ việc chặn dòng người tị nạn giúp châu Âu.