Vì lợi ích, Châu Âu sẵn sàng bỏ rơi Ukraine?

18:43, 10/09/2015
|

(VnMedia) - Một loạt thoả thuận vừa được ký kết giữa tập đoàn Gazprom của Nga với những công ty năng lượng lớn nhất của Châu Âu trong Diễn đàn Kinh tế Phương Đông gần đây ở Vladivostok đã cho thấy, các công ty Châu Âu không có ý định từ bỏ thị trường Nga. Đây là nhận định vừa được bà Judy Dempsey - một nhà phân tích của Carnegie Europe, đưa ra.  
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Theo nhà phân tích Dempsey, một trong những thoả thuận quan trọng nhất là thoả thuận trao đổi tài sản giữa tập đoàn khí đốt khổng lồ của Nga với công ty Wintershall - một chi nhánh của tập đoàn năng lượng BASF của Đức. Năm 2014, thoả thuận trên đã bị huỷ bỏ vì căng thẳng trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, hiện tại, thoả thuận này đã được ký lại.
 
Chuyên gia Dempsey chỉ ra rằng, những thoả thuận được ký kết giữa tập đoàn khí đốt của Nga với các công ty Châu Âu tại diễn đàn Vladivostok đã cho thấy một thực tế bẽ bàng với Kiev là Châu Âu không có ý định từ bỏ Nga. Các thoả thuận nói trên cũng cho thấy “tập đoàn Gazprom muốn gắn chặt hơn nữa thị trường khí đốt béo bở của Châu Âu với Nga".
 
Quan trọng hơn, theo phân tích của bà Dempsey, những hợp đồng năng lượng giữa các công ty Nga và Châu Âu, thể hiện quyết tâm của Moscow trong việc loại bỏ Ukraine ra khỏi mạng lưới trung chuyển khí đốt cho Nga đến các thị trường Châu Âu. Đây sẽ là cú giáng rất mạnh vào Kiev.
 
Theo những điều khoản được đưa ra trong thoả thuận giữa tập đoàn khí đốt quốc gia Nga Gazprom và công ty năng lượng Wintershall của Đức, phía Đức sẽ được kiểm soát 25% cổ phần của các mỏ khí đốt Urengoy ở Siberia. Những mỏ khí đốt này sẽ được cả hai công ty cùng hợp tác phát triển.
 
Công ty Wintershall sẽ chuyển giao các hoạt động kinh doanh và dự trữ khí đốt ở Đức cho tập đoàn Gazprom cũng như một phần hoạt động kinh doanh ở thị trường Áo. Tập đoàn Gazprom cũng sẽ nhận được 50% cổ phần trong hoạt động khai thác, sản xuất dầu mỏ và khí đốt của công ty Wintershall ở Biển Bắc.
 
Thoả thuận thứ hai được ký kết giữa tập đoàn Gazprom với một nhóm các công ty Châu Âu liên quan đến dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phía Bắc. Gazprom sẽ được nhận 51% cổ phần trong công ty mới mang tên New European Pipeline AG.
 
Thoả thuận nói trên sẽ “giúp Nga có thể cung cấp trực tiếp nguồn khí đốt lớn hơn cho Đức, không qua Ukraine", bà Dempsey cho hay.
 
Nhóm công ty Châu Âu tham gia vào Dự án Dòng chảy Phía Bắc của Nga gồm có tập đoàn BASF (10%), công ty năng lượng E.ON của Đức (10%), công ty điện Engie của Pháp (9%), công ty dầu mỏ và khí đốt OMV của Áo (10%), và công ty Shell của Hoàng gia Hà Lan (10%).
 
Thoả thuận thứ ba liên quan đến sự tham gia của công ty OMV của Áo vào dự án các mỏ khí đốt và dầu mỏ Urengoy. Theo các điều khoản được quy định trong thoả thuận, OMV sẽ được nhận 24,8% cổ phần trong dự án để đổi lấy việc tập đoàn Gazprom nắm một số tài sản của OMV.
 
"Tất cả những thoả thuận nói trên đồng nghĩa với việc các công ty năng lượng lớn của Châu Âu muốn quay trở lại làm ăn bình thường với Nga bất chấp cuộc xung đột vẫn tiếp tục diễn ra ở Ukraine và bất chấp thực tế Liên minh Châu Âu (EU) tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga”, nhà phân tích Dempsey nhấn mạnh.
 
Về phần mình, Nga cần công nghệ cũng như các thị trường đáng tin cậy của Châu Âu.
 
"Trừng phạt hay không thì Châu Âu vẫn là thị trường quá hấp dẫn và béo bở mà Nga không thể bỏ qua. Và trừng phạt hay không thì những mỏ khí đốt chưa được khai thác của Nga vẫn là miếng mồi ngon quá hấp dẫn mà các công ty năng lượng của Châu Âu không thể quay lưng”, bà Dempsey khẳng định.
 
Thực tế trên chắc chắn sẽ khiến chính quyền Kiev không thể tránh khỏi cảm giác bẽ bàng, tuyệt vọng. Giới chức ở Ukraine luôn tìm cách thúc giục phương Tây ra tăng sức ép với Nga bằng cách tăng cường các biện pháp trừng phạt, bao vây, o ép nền kinh tế Nga để buộc nước này phải “đầu hàng” trong lập trường liên quan đến cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu. Tuy nhiên, điều này khó xảy ra trong bối cảnh nền kinh tế giữa Nga và Châu Âu có nhiều sự ràng buộc về lợi ích.
 
Nga vốn là đối tác thương mại và năng lượng hàng đầu của Châu Âu. Liên minh Châu Âu (EU) hiểu rất rõ về mối quan hệ gắn bó giữa họ với Nga. Vì vậy, ban đầu EU không hề muốn tham gia vào chiến dịch chống lại Nga bằng các biện pháp trừng phạt về kinh tế.
 
Tuy nhiên, dưới sức ép không ngừng và quyết liệt của Mỹ - siêu cường số 1 thế giới và cũng là đối tác số 1 của Châu Âu cả trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao lẫn quân sự, EU đã không còn cách nào khác là phải theo chân Mỹ “tuyên chiến” với Nga.
 
Trong quá trình áp dụng chính sách trừng phạt Nga, mâu thuẫn giữa EU và Mỹ lại càng lớn hơn. Nhiều nước EU bị ảnh hưởng nặng nề bởi những đòn trừng phạt nhằm vào Nga đã thể hiện sự phản đối đối với chính sách mà phương Tây và Mỹ đang áp dụng với Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Sự bất mãn của phương Tây càng tăng khi nhìn sang phía Mỹ, họ thấy rằng nước dẫn dắt họ đi trên con đường gây sức ép, trừng phạt Nga lại không bị hề hấn gì mấy nếu không nói là còn được hưởng lợi trong khi các nước EU lại chịu tổn thương sâu sắc, không kém gì Nga.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc